ĐBQH NGUYỄN QUANG HUÂN: NÊN ĐỔI ''LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC'' THÀNH ''LUẬT QUẢN LÝ NGUỒN NƯỚC''

06/03/2023

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Quang Huân nêu quan điểm: Cần thống nhất khái niệm “Tài nguyên nước” trước khi xác định tên và đối tượng điều chỉnh của Luật. Theo đó, đại biểu đề nghị đổi Luật Tài nguyên nước thành Luật Quản lý nguồn nước để sát với thực tế chi phối của Luật hơn.

ĐẢM BẢO AN NINH NGUỒN NƯỚC, ƯU TIÊN NGÂN SÁCH VÀ HUY ĐỘNG XÃ HỘI HÓA ĐỂ PHỤC HỒI NGUỒN NƯỚC

LẤY Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ ÁN LUẬT TÀI NGUYÊN NƯỚC (SỬA ĐỔI)

Nghị quyết số 50/2022 ngày 13/6/2022 của Quốc hội có đề cập về bổ sung Luật Tài nguyên nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 5 và dự kiến thông qua vào kỳ họp 6 năm 2023.

Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.


Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương nêu quan điểm: Cần thống nhất khái niệm “Tài nguyên nước” trước khi xác định tên và đối tượng điều chỉnh của Luật.

Trước hết, “Tài nguyên” là những thứ có sẵn để con người có thể khai thác, sử dụng. Tài nguyên thiên nhiên là loại tài nguyên có trong thiên nhiên. Nước là một loại tài nguyên thiên nhiên tái tạo. Từ khái niệm này thì có thể khẳng định “nước khoáng và nước nóng thiên nhiên” không thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này vì chúng không có khả năng tái tạo. Mặt khác, mục đích sử dụng của 2 loại nước khoáng đặc biệt này cũng khác với nước thông thường, ví dụ chúng không thể dùng cho tưới tiêu không dùng cho sinh hoạt và đặc biệt là không thể dùng cho giao thông hay nuôi trồng thủy hải sản. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị giữ nguyên các đối tượng trong Phạm vi điều chỉnh như trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên Khoản 2 Điều 1 nên được viết lại cho rõ nghĩa.

Về tên gọi, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị đổi Luật Tài nguyên nước thành Luật Quản lý nguồn nước để sát với thực tế chi phối của Luật hơn. Tài nguyên nước là một khái niệm rất rộng, nó tác động và xuất hiện ở mọi mặt đời sống xã hội và các ngành nghề kinh tế với các công dụng khác nhau như đã nói ở trên. Vì thế, không có một Bộ ngành nào có thể quản lý được hết tất cả các lĩnh vực mà nước mang lại hay tham dự vào quá trình sản xuất, mà mỗi Bộ, ngành chỉ quản lý lĩnh vực mình phụ trách. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý thủy lợi tưới tiêu, trong khi Bộ Xây dựng quản lý phần nước sử dụng cho sinh hoạt… Các lĩnh vực này bị chi phối bởi các luật chuyên ngành khác nhau.

Ở đây, xuyên suốt các điều của Luật này chủ yếu đề cập đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ tài nguyên nước ở khâu đầu tiên, nghĩa là nguồn nước ngoài tự nhiên mà không chi phối các hoạt động cụ thể của các ngành khác. Ví dụ, Luật này đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cấp cho sinh hoạt, sau đó yêu cầu sau khi sử dụng thì nguồn nước ấy trước khi thải ra môi trường phải đảm bảo sạch trở lại (tái tạo). Như vậy, Luật này chỉ đảm bảo quản lý tốt nguồn nước ngoài tự nhiên như sông suối, kênh rạch, tầng nước dưới đất…, đúng như tên gọi ở mục 2 Điều 3 của Dự thảo Luật. Vì thế, gọi là Luật Quản lý nguồn nước là sát nghĩa nhất.


Hội thảo Lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức.

Về phần giải thích từ ngữ (Điều 3), đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị nên bổ sung khái niệm “Căng thẳng về nước” (Water stress) để quy định ngưỡng tới hạn khai thác của các nguồn nước. Theo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tỉnh thích ứng, sạch và an toàn” của Ngân hàng thế giới, xuất bản 2019 thì “căng thẳng nước được dự báo sẽ xuất hiện ở những vùng đang tạo ra phần lớn GDP cho quốc gia” (trang XXI – Tóm tắt tổng quan). Các lưu vực đó là sông Hồng – Thái Bình, cụm sông Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai. Các lưu vực này đóng góp 80% GDP cua Việt Nam.

Cũng theo Báo cáo này, khi chỉ số khai thác nước (tỷ lệ khai thác, sử dụng so với tổng lượng nước sẵn có) đạt tới 20% là đạt ngưỡng “căng thẳng về nguồn nước”. Còn khi chỉ số này đạt đến 40% là xuất hiện “căng thẳng nguồn nước nghiêm trọng”. Thực tế năm 2016, lưu vực các sông chính kể trên có lúc đạt tới 50-60%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình phát triển bền vững của Việt Nam. Mặt khác, tại Điều 68 – Thuế, phí về tài nguyên nước, Khoản 2 cũng đề cập đến “mức độ căng thẳng về tài nguyên nước” nên cần đưa khái niệm “căng thẳng về nước” vào Luật để làm cơ sở để quản lý và quy hoạch, phân vùng sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý trên toàn quốc.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, khái niệm “An ninh nguồn nước” nêu tại mục 21, Điều 3 chỉ bao gồm 2 nội hàm (1) đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ kinh tế - xã hội và (2) giảm thiểu rủi ro về thiệt hại từ thảm họa liên quan đến nước là không hoàn toàn phù hợp với các khái niệm của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, Ngân hàng thế giới định nghĩa An ninh nguồn nước gồm 3 nội dung: (1) Tài nguyên nước được quản lý hiệu quả và bền vững; (2) Giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nước và (3) dịch vụ nước hiệu quả, bền vững, công bằng. Rõ ràng, khái niệm đang được dùng trong Dự thảo Luật còn khá hẹp, chưa bao trùm nên sẽ giảm nhẹ mức độ quan tâm công tác quy hoạch sử dụng nước hiệu quả cũng như ngăn ngừa ô nhiễm. Từ khái niệm này dẫn đến nguyên tắc nêu trong khoản 10, Điều 5 về An ninh nguồn nước cũng mờ nhạt tương tự. Đề nghị sửa lại phần này.

Về nguyên tắc quản lý nguồn nước, tại Điều 5 của Dự thảo Luật nêu các nguyên tắc quản lý khai thác tài nguyên nước và Điều 6 lại nêu về các chính sách của Nhà nước, có nhiều nét tương đồng, nên nhập lại thành một điều là Nguyên tắc quản lý nguồn nước. Các chính sách của Nhà nước mà là văn bản dưới Luật thì không nên viện dẫn để đưa vào luật.

Về hệ thống thông tin dữ liệu (Điều 10), đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị cần quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền truy cập và sử  dụng các thông tin,dữ liệu về tài nguyên nước để tránh cơ chế xin cho hoặc thiếu minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư. Khoản 2, mục 6, đoạn: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trợ, hỗ trợ, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước” nên chuyển sang Điều 6 – Các nguyên tắc.

Về dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên nước (Điều 11), khoản 2, mục a viết khá chung chung: “a) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền …. Phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước”. Để thể chế hóa được các nghị quyết, quan điểm của Đảng và Nhà nước thì cần nêu cụ thể là cung cấp thông tin gì, bao nhiêu lâu hoặc ai được quyền truy cập…, tránh nêu lại tinh thần của nghị quyết trong luật.

Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 12), theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Điều này liệt kê 9 hành vi bị cấm, rất chi tiết nhưng lại bị thiếu. Ví dụ, hiện tượng nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường, ngấm xuống các tầng nước ngầm nhưng không phải hanh vi xả thải trực tiếp vào môi trường thì có bị cấm không? Trong Dự thảo Luật hiện chỉ cấm hiện tượng chủ động xả thẳng chất gây ô nhiễm vào nguồn nước chứ chưa đề cập đến các hiện tượng gây ô nhiễm trên, hoặc hiện tượng vỡ đường ống nước thải có thể gây ô nhiễm cho đường nước cấp hoặc nguồn nước lân cận. Cần nêu rõ chế tài và thời hạn khắc phục các sự cố trên.

Khoản 3 cấm “xả nước thải vào nguồn nước dưới đất” không thực tế vì khó có biện pháp kiểm tra và khó thực hiện, trừ hiện tượng chất thải tự ngấm xuống các tầng nước ngầm như đã nêu trên.

Khoản 7 của Điều 12 cần được viết lại để người đọc hiểu rõ các hanh vi “trái phép” mới bị cấm (cách viết tương tự khoản 2 Điều 1). Hơn nữa, tại Điều 55 lại quy định phải có giấy phép mới cho thăm dò khai thác nước dưới đất. Vậy có cần phải ghi cả 2 điều này trong Luật không vì một điều thì cấm không được khai thác trái phép (nghĩa là không được phép vẫn khai thác), một điều thì quy định phải có giấy phép mới được khai thác? Do đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị nên bỏ đi một trong hai điều kiện như vậy để không gây trùng lặp, dài dòng.

Về quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quy định trong Chương II, Điều 13 đề cập về Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn đây là quy định về công tác Quy hoạch hay công tác Điều tra? Tại sao lại ghép quy hoạch và điều tra vào một hoạt động? Phần nội dung Quy hoạch nêu trong khoản 3 chỉ đề cập đến công tác Điều tra, thu thập cơ sở dữ liệu ngành nước (phù hợp Điều 14) chứ không phải quy hoạch nên đề nghị giải thích thêm. Nếu coi đây là công tác quy hoạch thì tại Khoản 2 Điều 13 cần bổ sung thêm căn cứ là “Luật Quy hoạch”.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Điều 16 nên sửa lại là “Chiến lược quản lý tài nguyên nước”. Điều 17 nên sửa lại là “Quy hoạch quản lý tài nguyên nước”. Việc điều chỉnh quy hoạch cần được quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, không kìm hãm sự phát triển năng động của từng địa phương gắn với thực tế ở mỗi địa phương trong vùng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, với cách tiếp cận từ dưới lên chứ không phải lúc nào cũng “trên xuống” như thời kỳ kinh tế kế hoạch.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, Điều 24, 25 đề cập đến các vấn đề quy hoạch song liên tỉnh có nhiều điểm trùng với Điều 11 của Luật Thủy lợi về quy hoạch thủy lợi nên Ban soạn thảo Dự án Luật cần xem lại.

Về Bảo vệ nguồn nước (Chương III), Điều 27 quy định hành lang bảo vệ nguồn nước là cần thiết. Có một số tài liệu thì gọi là hành lang an toan. Đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị thông nhất tên gọi để mọi đối tượng áp dụng đều có cách hiểu giống nhau về khái niệm.

Điều 28 quy định về dòng chảy tối thiểu cũng là cần thiết, từ đó có thể biết được nguồn nước đã chạm tới ngưỡng “căng thẳng” chưa?

Điều 32, khoản 2 quy định: “không được xả nước thải…vào nguồn nước…” nêu lại Điều 12 – “Các hành vi bị nghiêm cấm” thì có cần thiết không? Trường hợp không cố tình xả nhưng lại để các chất độc hại, gây ô nhiễm ngấm vào nguồn nước thì sao?

Về phòng chống ô nhiễm nước biển (Điều 37), đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nội dung chưa đề cập đến rác thải đại dương.

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Chương IV), Điều 42, Khoản 4 quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các lưu vực sông có trách nhiệm tham gia, đóng góp kinh phí xây dựng, vận hành …”. Tuy nhiên, việc tham gia đóng góp như thế nào? Nếu chưa phân định hay nêu ra cách thức cụ thể thì có thể đưa vào Điều 6 về Nguyên tắc quản lý sẽ hợp lý hơn.

Điều 48 đề cập khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt: Khoản 1, điểm a nêu các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước…, chưa thể hiện được ưu tiên cái gì, ưu tiên như thế nào? Cách viết văn bản luật cần khác với nghị quyết. Mặt khác, Luật Cấp thoát nước đang được đề xuất xây dựng, nên xem xét đưa phần này vào Luật Cấp thoát nước.

Điều 56, Khoản 7, việc chủ đầu tư sử dụng mặt hồ thủy điện để phát triển điện mặt trời nổi thì có cần xin phép sử dụng mặt nước không?

Về chính sách nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), Điều 67 nêu 4 nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động quản lý tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, cần bổ sung thêm 2 nguồn thu nữa là (1) từ Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này và (2) quỹ đất phát triển thành đô thị hay cảnh quan tại các khu vực đầu nguồn nước hoặc lưu vực sông.

Điều 68, Khoản 4, điểm b: “Phí bảo vệ môi trường với hoạt động xả thải vào nguồn nước” chỉ nên được áp dụng tại nơi mà nguồn nước chưa bị quá tải. Cần viết lại cho rõ rang hơn.

Điều 70, Khoản 4 quy định về nguyên tắc chi trả dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước có thể sẽ gây mâu thuẫn với Luật Cấp thoát nước sau này. Cần nghiên cứu kỹ.

Về trách nhiệm quản lý tài nguyên nước (Chương VIII), Điều 79, Khoản 3 và 5 đề cập phân định trách nhiệm quản lý nước nông thôn giữa Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp chưa rõ ràng. Bộ Nông nghiệp quản lý nước nông thôn nhưng Bộ xây dựng lại quản lý thoát nước khu tập trung nông thôn có thể sẽ dẫn đến chồng chéo, xung đột nên đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem lại nội dung này.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, cần xem thêm tính khả thi của Luật vì hiện nay theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì mới có 15% nước thải đô thị được xử lý, còn lại 85% là xả thẳng ra sông hồ, nguồn nước và môi trường xung quanh. Như vậy, các hành vi bị cấm trong Điều 12 không thể thực hiện được nên đề nghị xem xét lộ trình để đảm bảo tính khả thi của Luật./.

Bích Lan

Các bài viết khác