ĐẠI BIỂU DƯƠNG KHẮC MAI: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN GIẢI QUYẾT CĂN BẢN NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG

07/04/2023

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng vấn đề quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường và công tác quản lý diện tích đất, thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là tại các vùng có người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành để có hướng giải quyết căn bản cho vấn đề này.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 07/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 07/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai (sửa đổi) cần giải quyết căn bản những bất cập trong quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường

Phát biểu góp ý dự thảo Luật tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho biết, một trong những vấn đề quan tâm ở nơi có phần lớn dân cư là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đó là vấn đề quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường và công tác quản lý diện tích đất thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp. Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh đây là thực tiễn, thực trạng chung tại nhiều địa phương.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Luật Đất đai năm 2013 và các luật chuyên ngành chưa thực sự đảm bảo liên kết, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch lĩnh vực, dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện, đặc biệt trong việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Cùng với đó, theo đại biểu Dương Khắc Mai, áp lực từ việc gia tăng dân số, đặc biệt là tình hình dân di cư không theo kế hoạch gia tăng nhanh và đời sống người dân ven rừng còn nhiều khó khăn, diện tích đất rừng thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp, nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý nằm rải rác, manh mún, liền kề với nương rẫy của người dân và chủ yếu là rừng gỗ nghèo, rừng lồ ô, tre, nứa tái sinh, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.

Đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc giao đất cho các nông, lâm trường trước đây chưa được đo đạc rõ ràng để quản lý bằng bản đồ và lưu trữ đầy đủ, nhiều trường hợp khi khoanh vẽ trên bản đồ có độ chính xác thấp, dẫn đến giao đất chồng chéo lên đất của một số tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng. Bên cạnh đó, quá trình lập hồ sơ, thủ tục thu hồi đất chỉ thực hiện theo hồ sơ quản lý nên khi tiến hành điều tra hiện trạng nhiều diện tích rừng đã bị giảm từ lâu và chỉ còn danh nghĩa trên giấy tờ. Chính vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo cần có những quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này và các văn bản hướng dẫn để thi hành, có hướng giải quyết căn bản cho vấn đề này.

Cần đồng bộ nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác

Về những nội dung cụ thể của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, tại Điều 104 về Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất. Tại Điểm a, khoản 1, Điều 104 dự thảo luật đưa ra hai phương án:

Phương án 1: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền;

Phương án 2: Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường và đã được bồi thường bằng tiền.

Đại biểu lựa chọn phương án 2 vì Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thống nhất với nội dung quy định tại khoản 26 Điều 3, khoản 8 Điều 24 và khoản 1, khoản 7 Điều 27 và Điều 28 của dự thảo luật này. Người sử dụng đất có quyền cho thuê đất của mình, việc cho thuê không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất nên quy định hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp có phần phù hợp, phát sinh thêm chi phí hỗ trợ đền bù, khiếu nại, khiếu kiện liên quan khi thực hiện.

Các đại biểu tại phiên họp.

Điều 114 về giao đất không thu tiền sử dụng đất, đại biểu cho rằng tại khoản 3 Điều 114 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp “người sử dụng đất để quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên”. Tuy nhiên, tại Điều 17 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng là đất rừng tự nhiên. Như vậy Nhà nước không thu tiền sử dụng đất, nhưng thu tiền thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, không giao đất rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân. Do đó không thống nhất đồng bộ theo quy định tại khoản 5 Điều 14 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 về nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. Thu hồi rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Về Điều 116 về cho thuê đất, ngoài các trường hợp quy định tại khoản 2, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về các trường hợp nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê cho phù hợp với từng vùng, địa phương. Nếu quy định như dự thảo luật thì nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khó thu hút được các nhà đầu tư. Vì lý do nếu nộp tiền thuê đất một lần thì các nhà đầu tư mới có cơ sở thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn phát triển đầu tư trở lại cho các dự án của mình.

Tại Điều 133 về công nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất. Tại điểm a khoản 2 quy định “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ quy định khoản 1 điều này thì được công nhận quyền sử dụng đất, nếu có các điều kiện như sau: Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp đất đai”. Về điểm này đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần cân nhắc, nên chăng bỏ cụm từ "không thuộc các trường hợp lấn chiếm" tại điểm a khoản 2 Điều 133 của dự thảo Luật Đất đai để phù hợp với tình hình thực tế sử dụng đất hiện nay, đặc biệt là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và vùng cao.

Tại Điều 173 về hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ cá nhân và gia đình, tại khoản 1 quy định "hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 172 của luật này". Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại cho phù hợp hơn với xu thế phát triển ngày nay là tích tụ ruộng đất, nhằm có vùng sản xuất lớn để tạo ra sản lượng và sự đồng bộ sản phẩm theo yêu cầu người tiêu dùng sản phẩm.

"Ngoài ra, do đặc thù địa hình của một số vùng miền núi Tây Nguyên đồi dốc, đá lộ thiên nhiều nên diện tích thực tế có thể đưa vào canh tác chiếm tỷ lệ rất thấp, vì vậy cần có quy định hướng dẫn chi tiết về hạn mức này cho phù hợp với từng vùng", đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác