GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỲ VỌNG SẼ CÓ GIẢI PHÁP HỮU HIỆU THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

22/05/2023

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc vào sáng nay (22/5/2023). Các đại biểu Quốc hội kỳ vọng, qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội sẽ đưa ra các giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả của Kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỲ VỌNG VÀO QUYẾT SÁCH SÁNG SUỐT VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ HỆ TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC TẠI KỲ HỌP THỨ 5

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể với nhiều kỳ vọng đối với công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Tại Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến về 9 dự án Luật khác. Chia sẻ bên lề Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá, kỳ họp lần này được chia làm hai đợt và tài liệu cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp lần này có Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm, nhất là trong nhịp năm ngoái tăng trưởng 8,02% và năm nay xác định là một năm khó khăn và sẽ phải vượt qua khó khăn này như thế nào.

Ngoài ra, các Luật đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… cũng được đưa ra tại kỳ họp này. Đây là những Luật mang tính chất thời sự, tác động trực tiếp không chỉ đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến ngành kinh tế - xã hội khác. Tất cả các vấn đề này đều được các cử tri quan tâm. Đại biểu nêu rõ, với tinh thần làm việc khẩn trương và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đẩy mạnh của Quốc hội, kỳ họp này sẽ cố gắng triển khai thể chế hoá một số Nghị quyết của Đảng đã nêu và chưa hoàn thành, nhất là tập trung Nghị quyết 18-NQ/TW về Luật đất đai hiện hành và nhiều vấn đề cử tri mong muốn.

Đây là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, có nhiều việc khó, phức tạp và nhạy cảm, tác động lớn liên quan đến pháp luật về đất đai, đấu thầu, giá, kinh doanh bất động sản, chính sách nhà ở và các hoạt động giám sát… Thời gian qua, với tinh thần chủ động, "từ sớm, từ xa", các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ trong quá trình chuẩn bị các dự án luật, dự thảo nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đánh giá, việc bố trí thời gian họp như lần này là hợp lý, giúp các cơ quan của Quốc hội có thời gian chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất. Khối lượng các dự án luật được tiếp thu, chỉnh lý tại kỳ họp lần này tăng gấp đôi so với kỳ họp trước, vì thế các cơ quan chức năng cần thời gian để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách và không chuyên trách tại địa phương, việc bố trí 2 đợt họp sẽ giúp các đại biểu linh hoạt trong xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị, nghiên cứu kỹ hơn các dự thảo, tài liệu, đóng góp ý kiến với chất lượng cao nhất.

Qua tiếp xúc cử tri cho thấy, các ý kiến của người dân và doanh nghiệp đều mong muốn, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận sâu về các vấn đề đặt lên bàn nghị sự, chỉ rõ tồn tại, hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan, vấn đề nào từ quy định của pháp luật, vấn đề nào do khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào? Từ đó, đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn, khắc phục kịp thời tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh điểm nghẽn, vướng mắc trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội hiện nay.

Cùng chia sẻ về kỳ họp, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, từ sớm, từ xa, không quản ngại vất vả với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ” để bảo đảm chu đáo, kỹ lưỡng mọi mặt công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5. Các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của Nhân dân, cử tri để tổng hợp, kịp thời phản ánh đến Quốc hội, đưa tiếng nói của cử tri tới nghị trường.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Bên cạnh đó, công tác lập pháp tại Kỳ họp này vừa nhiều về số lượng vừa yêu cầu cao về chất lượng. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Những nội dung Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống hiện nay. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri. Dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW.

Đại biểu cũng kỳ vọng, qua thảo luận tại kỳ họp, Quốc hội sẽ đưa ra các giải pháp, chính sách hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở, tiền đề để tháo gỡ những nút thắt, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các mục tiêu về kinh tế - xã hội.

Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Kỳ họp thứ 5 rất quan trọng khi tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tình hình kinh tế của khu vực và trên thế giới có nhiều biến động và khó lường. Quốc hội sẽ xem xét đánh giá cụ thể từng mặt tác động và có những giải pháp, chính sách cho phù hợp. Cùng với đó, điều chỉnh một cách kịp thời, sớm nhất để phục hồi phát triển kinh tế cũng như không bỏ lỡ cơ hội tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế. Mặt khác, Kỳ họp lần này là lần đầu tiên và đặc biệt khi báo cáo tiếp thu ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến, lần đầu tiên Quốc hội dành một khoảng thời gian nhất định để cho ý kiến vào báo cáo để xem xét lại tình hình tiếp thu ý kiến, giải quyết vấn đề kiến nghị của cử tri và nhân dân như thế nào. Đại biểu cho rằng, đây là một hoạt động mới trong các hoạt động giám sát của Quốc hội./.

Minh Thành - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác