ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: 04 THÁCH THỨC LỚN ĐỐI VỚI TRIỂN KHAI CHUYỂN DỊCH NĂNG LƯỢNG

19/06/2023

Cho ý kiến về nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện đầu năm 2023, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội quan tâm đến phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng. Theo đại biểu, đây là những vấn đề quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển quốc gia.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Quá trình đô thị hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn

Tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội khẳng định, trong năm qua và những tháng đầu năm 2023, mặc dù trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng xấu nhiều mặt đến nước ta, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, toàn dân, toàn quân, nước ta tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường ổn định cho phát triển.

Để làm sâu sắc thêm các báo cáo trình Quốc hội, đại biểu tham gia ý kiến về vấn đề phát triển đô thị và chuyển dịch năng lượng. Đây là những vấn đề có ý nghĩa quan trọng, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài đối với sự phát triển quốc gia và cần thiết được đưa vào trong nghị quyết kỳ họp.

Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Về phát triển đô thị, đại biểu nhấn mạnh, đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội tạo ra phát triển đột phá về mọi mặt đối với mỗi quốc gia, khu vực và địa phương. Trên thế giới, các đô thị đang đóng góp khoảng 80% GDP toàn cầu.

Ở Việt Nam, đô thị hóa và phát triển đô thị đang trở thành động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Các đô thị hiện nay chính là các cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, điển hình là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thể chế kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06/2022 về quy hoạch xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật liên quan và gần đây là 2 Nghị quyết số 75/2022 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 81/2023 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 26 và Nghị quyết 1210/2016 về phân loại đô thị.

Để sớm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý, phát triển đô thị và hoàn thành phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch 5 thành phố trực thuộc trung ương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có 4 thách thức lớn đối với triển khai chuyển dịch năng lượng

Quan tâm về chuyển dịch năng lượng, đại biểu nhận định, đây là xu thế tất yếu trên thế giới nhằm phát giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước. Cùng với cộng đồng quốc tế, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng.

Tuy nhiên, có 4 vấn đề thách thức lớn đối với triển khai bao gồm vấn đề về tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Ước tính Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050. Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch điện 8 trong giai đoạn 2021-2030 tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD. Như vậy, nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới cũng như trong nước trong thời gian tới.

Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh, các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nhân dịp này, đại biểu cũng gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiến nghị của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể, cử tri nhân dân 4 huyện của thành phố Hà Nội bao gồm Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức về việc sớm điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều đối với hạ lưu sông Hồng, sông Đáy cho phù hợp với thực tế và quan tâm đầu tư giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Hồ Hương

Các bài viết khác