Phát biểu ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại dự thảo có nêu "nghiêm cấm sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở".
Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện không quy định cơ chế kiểm soát sử dụng nguồn vốn của chủ đầu tư, vì trên thực tế nhiều trường hợp chủ đầu tư sử dụng nguồn huy động vốn dự án này để phát triển dự án khác hoặc xử lý các vấn đề nội tại của công ty mà không trực tiếp phát triển chính dự án mà người mua đã ký kết hợp đồng góp vốn trước đó. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây chậm tiến độ và các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện đông người kéo dài của người dân.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị cơ quan soạn thảo "cần bổ sung cụ thể cơ chế kiểm soát các chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn huy động từ người dân như yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết và có báo cáo định kỳ cơ quan chức năng việc huy động và sử dụng vốn từng dự án đầu tư để cơ quan có chức năng biết, giám sát; có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu sai phạm nhằm tránh tối đa việc các chủ đầu tư lợi dụng, lạm dụng việc huy động vốn để chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích huy động".
Bên cạnh đó, quan tâm đến nội dung về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải nhà thuê còn khá lớn. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, tại tỉnh Bình Dương, mặc dù là tỉnh phát triển nhà ở xã hội thuộc diện tốt nhất cả nước nhưng số công nhân lao động chưa có nhà ở, phải thuê nhà ở trọ chiếm trên 60%. Các phòng trọ do tư nhân xây dựng hầu hết đều chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3-4m2/1 người, nhiều nơi chưa đảm bảo những điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước và một số điều kiện khác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động không chỉ của người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe con cái của họ. Trong khi đây là nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Đại biểu nhấn mạnh, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011 đã đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu đô thị. Tuy nhiên, nội dung này hiện chưa đạt so với mục tiêu đề ra đã quá 3 năm.
Theo thông tin của Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp lần thứ 4, con số này chỉ đạt 7,9 triệu m2, tương đương khoảng 63,2%. Khi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn về dự thảo Luật Nhà ở thì đa phần đều cho rằng chính sách thu hút đối với nhà ở xã hội hiện nay chưa đạt và không có gì đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng.
Cụ thể là, thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội được thực hiện không khác gì với các dự án nhà ở thương mại, thậm chí có nội dung còn phức tạp hơn, do phải thực hiện các thủ tục liên quan đến miễn, giảm, ưu đãi và lo ngại về hậu thanh tra, kiểm tra, trong khi lợi nhuận chỉ khống chế tại mức 10% thì liệu có đủ thu hút hay không khi giá nhà ở thương mại hoặc căn hộ thương mại tại vị trí tương tự lại được bán với giá cao hơn gấp vài lần.
Do vậy, đại biểu cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã ghi nhận tại khoản 3 Điều 77. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn Lao động là một chủ thể đầu tư nhà ở xã hội mới được quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn trong dự thảo. Do vậy, đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với Tổng Liên đoàn Lao động khi tham gia đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.
Trong việc thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đề nghị coi việc Tổng Liên đoàn Lao động tham gia đầu tư như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Cụ thể, như về quyền đại diện của chủ sở hữu được quy định ở Điều 17, đề nghị bổ sung theo hướng quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu công đoàn Việt Nam được áp dụng theo quy định đối với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Điều 37 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải làm 2 nhóm, một là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hai là cơ quan tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Theo đại biểu, quy định như vậy chưa bao gồm chủ thể Tổng Liên đoàn Lao động, vì Tổng Liên đoàn Lao động đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ, nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Do vậy, đại biểu đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động là chủ thể đầu tư xây dựng được quy định vào Điều 37 để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong dự thảo luật./.