ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG MỘT HIẾN CHƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRÊN TINH THẦN BẢO ĐẢM, TÔN TRỌNG QUYỀN CON NGƯỜI

16/09/2023

Tại phiên thảo luận chuyên đề 3 “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, các Nghị sỹ trẻ đánh giá ý nghĩa quan trọng của chuyển đổi công nghệ, song cũng khẳng định tôn trọng đa dạng văn hoá là một trụ cột phát triển bền vững. Do vậy, các đại biểu đề xuất các Quốc hội cần xây dựng một Hiến chương về đạo đức trong khoa học, công nghệ, dựa trên tinh thần bảo đảm, tôn trọng quyền con người.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/9: PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 3 – THÚC ĐẨY TÔN TRỌNG ĐA DẠNG VĂN HOÁ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Cần coi văn hóa là một trụ cột của phát triển bền vững

Tập trung thảo luận về vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa với các hợp phần quan trọng như hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.

Đại biểu trẻ Trịnh Xuân An, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc; đồng thời, chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển. 

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trịnh Xuân An khuyến nghị, Quốc hội các nước nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; khẳng định vai trò của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển hệ thống các thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Quốc hội các nước cần phải đóng vai trò dẫn dắt, hướng tới xây dựng một mô hình quản trị mới và một khung khổ chính sách bao trùm dành cho giới trẻ. Các nhà hoạch định chính sách cần đưa chính những nguyên tắc phổ quát của đa dạng văn hóa trở thành triết lý định hướng trong mối quan hệ của mình và giới trẻ.

Chia sẻ về chính sách của Việt Nam, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết  quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng lẫn nhau đưa các nền văn hóa cùng hợp tác. Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em.

Việt Nam đã, đang thực thi và ngày càng hoàn thiện hệ thống các chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh sự nghiệp hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, coi di sản văn hóa các dân tộc là bộ phận quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, vừa tiếp thu giá trị mới phù hợp, vừa phát huy bản sắc riêng, để văn hóa mỗi dân tộc ngày càng phát triển, để văn hóa Việt Nam ngày càng vươn tới tầm cao mới.

Đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, đa dạng văn hóa ở nhiều nước đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là những thách thức phi truyền thống của một kỷ nguyên số và toàn cầu hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của di sản văn hóa, văn hóa tộc người, do vậy nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế..

Xây dựng một Hiến chương về đạo đức trong khoa học, công nghệ, dựa trên tinh thần bảo đảm, tôn trọng quyền con người

Ở góc độ khác, chia sẻ cụ thể về đạo đức trong phát triển khoa học công nghệ, TS.Maurizio Bona, cựu cố vấn của Tổng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân Châu Âu (CERN), giảng viên tại Đại học Pavie, Italia nhấn mạnh công nghệ tạo ra sự thay đổi lớn đối với toàn cầu; việc dự đoán sự phát triển của khoa học, công nghệ rất khó, do vậy việc giảm thiểu tác động tiêu cực cần đặt ra vấn đề đạo đức trong lĩnh vực này.

TS.Maurizio Bona, cựu cố vấn của Tổng Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân Châu Âu (CERN

Theo TS.Maurizio Bona, các nghị viện cần nhìn nhận vai trò của đạo đức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. CERN đang xây dựng một Hiến chương về đạo đức trong khoa học, công nghệ, dựa trên tinh thần bảo đảm, tôn trọng quyền con người.

Hiến chương quy định các hoạt động nghiên cứu không được phép vượt qua các tiêu chuẩn đạo đức đã được nêu ra. TS.Maurizio Bona khẳng định đây không phải là văn bản tồn tại mãi mãi mà sẽ được rà soát, điều chỉnh định kỳ phù hợp với các giai đoạn phát triển trên thế giới.

Tổng Giám đốc CERN cho biết, các nhà nghiên cứu đã làm việc với các nghị viện, nghị sĩ, cộng đồng nghiên cứu khoa học để cập nhật Hiến chương, quy định các tiêu chuẩn đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Bản dự thảo của Hiến chương sẽ được gửi cho các nghị viện tham khảo và hoàn thiện, dự kiến thông qua tại Đại hội đồng IPU năm 2024. Hiến chương giúp các nghị viện xác định cơ hội và thách thức, định hình tương lai dài hạn của thế giới, với sự phát triển khoa học công nghệ đang đóng vai trò tích cực hơn trong xã hội mà không lo ngại những rủi ro tiềm tàng.

Trong phát biểu ghi hình gửi tới hội nghị, ông Andy Williamson, Nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đổi mới của IPU cho rằng, cần tận dụng tối đa hiệu quả của công nghệ, nhất là sự bùng nổ của mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho từng cá nhân và liên kết xã hội.

Ông Andy Williamsondẫn chứng trong đại dịch Covid-19, mạng xã hội trở thành công cụ quan trọng để kết nối và duy trì liên kết xã hội. Về mặt công việc, đây là công cụ được sử dụng nhiều hơn, với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Các nghị viện trước đây chỉ họp trực tiếp thì hiện đã kết hợp cả họp trực tuyến.

Tuy vậy, sự bùng nổ của mạng xã hội cũng mang đến gánh nặng về thông tin sai lệch, thông tin giả cùng những hành vi bắt nạt trên mạng xã hội. Do đó, ông Andy Williamson nhấn mạnh cần có quy trình pháp lý, những quy định cần thiết để ứng phó đối với những hành vi như vậy trên mạng xã hội, bảo vệ người đại diện công chúng; phụ nữ, nên cần phải làm nhiều hơn để giải quyết được vấn đề này. Trong vai trò nghị sĩ, cần phải có những công cụ pháp lý cần thiết, nâng cao nhận thức của người dân.

Hải Yến

Các bài viết khác