ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: THÀNH CÔNG CỦA HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9 KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, UY TÍN, TRÁCH NHIỆM CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM TRONG IPU

16/09/2023

Sau hai ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thành công tốt đẹp. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương khẳng định Hội nghị đã để lại ấn tượng đặc biệt và có giá trị trong lòng các đại biểu tham dự, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nghị sĩ trẻ các nước về thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 16/9: PHIÊN BẾ MẠC HỘI NGHỊ NGHỊ SỸ TRẺ TOÀN CẦU LẦN THỨ 9

ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: CẦU NỐI HỮU ÍCH ĐỂ CÁC NGHỊ SĨ TRẺ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Phóng viên: Qua 2 ngày diễn ra Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 Với tinh thần sôi nổi, trách nhiệm cao, đại biểu đánh giá thế nào về kết quả đạt được của Hội nghị lần này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Theo tôi và các đại biểu tham dự cảm nhận, Hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện cả về nội dung, chương trình, công tác tổ chức và cả phương diện đối ngoại đa phương nói chung và của Việt Nam nói riêng. Nhiều đại biểu quốc tế đã nói với tôi như vậy, nhất là trước mỗi phát biểu, nghị sĩ trẻ các nước đều nói cảm ơn Việt Nam vì sự đón tiếp nồng hậu và công tác tổ chức rất tốt Hội nghị này.

Với chủ đề Hội nghị “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thục hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, tôi cho rằng, đây là chủ đề rất thời sự và thu hút nhiều nghị sĩ trẻ các nước tham gia phát biểu. Và 3 phiên thảo luận chuyên đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm và đóng góp ý kiến của nghị sĩ trẻ các nước.

Công tác tổ chức chương trình khoa học, bài bản từ khâu tổng thể đến chi tiết nhỏ nhất: từ thiết kế nội dung, điều hành, sự tham gia và chất lượng phát biểu của các đại biểu đến phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại, an ninh trật tự… rất tốt. Tôi cũng ấn tượng đội ngũ tình nguyện viên rất năng động, thân thiện và nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các đại biểu tham dự Hội nghị.

Toàn cảnh Phiên bế mạc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Đáng lưu ý, Quốc hội Việt Nam, các Hội hữu nghị Việt Nam với các nước đã có nhiều cuộc gặp gỡ song phương, trao đổi và hiểu biết lẫn nhau, các nghị sĩ Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và có thêm nhiều người bạn, học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, giúp ích cho công việc và cuộc sống. Trong chương trình Triển lãm “Khát vọng Việt Nam”, chúng ta cũng tận dụng tối đa cơ hội này, thông qua đó, giới thiệu về đường lối đổi mới của đất nước, quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam, thể hiện sự mến khách, yêu chuộng hòa bình, tinh thần và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông rất đa dạng, phong phú, hiệu quả, vừa kết hợp trực tiếp và trực tuyến, các cơ quan báo chí, truyền thông của nước ta và các nước thành viên đều đưa tin về các sự kiện quan trọng của Hội nghị. Nhóm phóng viên, biên tập viện  thể hiện sự chuyên nghiệp và thân thiện, trao đổi nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Nhìn chung, tôi nhận thấy, Hội nghị đã để lại nhiều tình cảm ấn tượng rất đặc biệt và có giá trị trong lòng tất cả các đại biểu tham dự, thành công của Hội nghị lan tỏa mạnh mẽ đến bạn trẻ các nước, nghị sĩ các nước về phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời khẳng định vai trò, uy tín và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong hội nhập và phát triển.

Phóng viên: Trong khuôn khổ Hội nghị, các nghị sĩ trẻ đặc biệt quan tâm đến 3 phiên thảo luận chuyên đề. Đại biểu quan tâm đến chuyên đề nào và có đề xuất, kiến nghị gì về các nội dung này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trong phiên chuyên đề về chuyển đổi số, rất nhiều đại biểu góp ý về vấn đề nâng cao kiến thức và kỹ năng số của người dân nói chung và thanh niên nói riêng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tôi đồng tình với nhiều nội dung các nghị sĩ trẻ phát biểu là nghị viện các nước phải thúc đẩy vai trò của nghị sĩ trẻ trong Nghị viện, thúc đẩy sự tham gia thực chất của người trẻ trong xây dựng chính sách giải quyết các vấn đề toàn cầu, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số. Những cam kết quốc tế, những tiếng nói chung của người trẻ toàn cầu phải được cụ thể hóa thành hành động cụ thể, chính sách của các nghị viện trong IPU phải hiện thực hóa cam kết đó. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong công tác lập pháp, các thách thức chung về tỷ lệ người dân toàn cầu chưa được tiếp cận Internet, bảo vệ phụ nữ, trẻ em trên môi trường mạng, bảo mật thông tin, vấn đề việc làm, biến đổi khí hậu... Điều này đỏi hỏi chính sách pháp luật trên toàn cầu và mỗi quốc gia phải thích ứng nhanh chóng và mạnh mẽ. Nghị viện các nước giám sát để thúc đẩy xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số.

Quang cảnh phiên thảo luân về chuyên đề 1 Chuyển đổi số

Riêng tôi, tôi rất quan tâm đến mục tiêu Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững. Mục tiêu này kêu gọi đảm bảo rằng mọi người đều có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững trên nhiều cấp độ, không ai bị bỏ lại phía sau. Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững (ESD - Education for Sustainable Development) là một quá trình học tập suốt đời, trao quyền cho người học ở mọi lứa tuổi để có được kiến thức, kỹ năng, và thái độ cần thiết để nhận thức, giải thích, và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, lãng phí tài nguyên thiên nhiên và vấn đề bất bình đẳng, phân biệt đối xử. Nói cách khác, ESD là một nền giáo dục nuôi dưỡng những người tạo ra một xã hội bền vững. Và vấn đề này phải bắt đầu từ giáo dục cho những người trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tôi mong rằng, các nước trong IPU có chính sách chung chia sẻ các chương trình, dữ liệu mở miễn phí cho người trẻ về kỹ năng số, về giáo dục nghề nghiệp và các lĩnh vực mà các thành viên IPU có thế mạnh, để thanh thiếu nhi, phụ nữ trên thế giới, dù ở đâu chỉ cần có điện thoại di động, máy tính đều được học tập. Hay trao đổi, tài trợ các chương học bổng, đào tạo cho học sinh, sinh viên, nghị sỹ trẻ trong dài hạn, ngắn hạn về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo gắn với các mục tiêu phát phát triển bền vững.

Đồng thời Nghị viện các nước phát triển trong IPU có thể đề xuất các chính sách tài trợ nguồn lực đầu tư cho giáo dục, chuyển đổi số, đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, trang thiết bị công nghệ cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong Liên minh Nghị viện thế giới. Qua đó, mỗi người dân trên thế giới, nhất là người trẻ có kiến thức, kỹ năng đúng đắn về chuyển đổi số và ứng dụng hiệu quả công nghệ vào học tập, lao động.

Quang cảnh phiên thảo luận về chuyên đề 3 Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững

Đối với chuyên đề 3 thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững,  nhiều đại biểu đã khẳng định thế giới chúng ta tồn tại trong đa dạng văn hóa, văn hóa chính là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững, do đó cần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau về ngôn ngữ, chữ viết, niềm tin, tôn giáo, về những mối quan tâm, rủi ro trong bối cảnh chuyển đổi số.

Để giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, của mỗi quốc gia, tôi tâm đắc với các sáng kiến: đưa văn hóa là một trong những trụ cột trong chương trình phát triển bền vững, nghị viện các nước ban hành các chính sách pháp luật về giáo dục, xây dựng con người có văn hóa, nhất là thế hệ trẻ; về thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học cơ bản vì hòa bình, tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, bảo mật thông tin và hướng đến phát triển bền vững; những kiến nghị chính sách về nghệ thuật số, thành phố số, nguyên tắc, thể chế cho công nghệ AI, tăng cường đối thoại trên các lĩnh vực và từng cấp độ để mỗi người, mỗi quốc gia thấu hiểu lẫn nhau và cùng nhau phát triển trong môi trường hòa bình, tin cậy lẫn nhau.

Đồng thời tận dụng công nghệ số để bảo tồn, phát triển và chia sẻ bản sắc, giá trị  giữa các nền văn hóa với nhau; có các chương trình đào tạo, bảo tồn văn hóa. Các nghị sĩ trẻ trong các nghị viện cần đoàn kết, nỗ lực xây dựng thể chế để tạo ra sự thay đổi tích cực về vấn đề này trong phạm vi quốc gia, khu vực, thế giới.

Phóng viên: Trong phiên bế mạc, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”. Đại biểu có thể chia sẻ quan điểm của mình về Tuyên bố quan trọng này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Tuyên bố này thể hiện cam kết và hành động mạnh mẽ của các nghị sẽ trong Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) thể chế hóa và hoàn thiện thể chế chính sách cho chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tôn trọng đa dạng văn hóa vì mục tiêu phát triển bền vững. Tuyên bố này khẳng định các nghị sĩ trẻ IPU cùng đoàn kết, quyết tâm thực hiện các giải pháp giải quyết các vấn đề toàn cầu, thu hút sự tham gia nhiều hơn của người trẻ và cộng đồng chung tay xây dựng thế giới hòa bình, hợp tác và cùng phát triển ko ai bị bỏ lại phía sau.

Theo tôi, đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu qua 9 kỳ tổ chức. Điều đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao và cam kết mạnh mẽ của các nghị sĩ trẻ IPU trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác