ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: KHÔNG NÊN BÃI BỎ CƠ CHẾ THÍ ĐIỂM CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI

10/10/2023

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trao đổi với Cổng thông tin điện tử Quốc hội, góp ý vào dự thảo Luật này, ĐBQH Trần Văn Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh thành.

ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP CĂN CƠ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TRONG DÀI HẠN

SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI: LÀM RÕ THẨM QUYỀN CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 261 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội, tức các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đăc thù phát triển của một số địa phương đã được Chính phủ cho phép.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc

Phóng viên: Thưa đại biểu, Ông đánh giá như thế nào về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa trong thời gian vừa qua?

ĐBQH Trần Văn Tiến: Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương không chỉ liên quan đến quản lý nhà nước về đất đai và lâm nghiệp mà liên quan đến nhiều cơ chế chính sách khác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật hiện tại vẫn còn vướng mắc trong thực tế triển khai nên mới đặt vấn đề cần có cơ chế đặc biệt để giải quyết các khó khăn, vướng mắc kể trên. Ngoài ra, việc xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ dựa trên điều kiện thực tế của từng địa phương và tạo động lực để các địa phương phát triển, nhất là những vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn lại càng cần các chính sách đặc biệt và hỗ trợ nhiều hơn so với các địa bàn khác.

Thông thường các cơ chế, chính sách này được thí điểm trong vòng 5 năm và phải được tổng kết để có thể đánh giá, nhân rộng hoặc rút kinh nghiệm trước khi triển khai hoặc đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật. Để kết luận hay đánh giá tại thời điểm này thì hơi sớm nhưng có thể nhận thấy rằng các Nghị quyết này đang được các địa phương triển khai và có kết quả tích cực nhất định, tác động hiệu quả đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương kể trên.

Phóng viên: Thưa đại biểu, Điều 261 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ bãi bỏ một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các Nghị quyết của Quốc hội – tức các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và Khánh Hòa. Quan điểm của đại biểu như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Trần Văn Tiến: Tôi cho rằng cơ chế, chính sách đặc thù của các địa phương liên quan đến quản lý đất đai đã được Quốc hội thông qua nhằm mục đích tháo gỡ và khắc phục hạn chế của quy định pháp luật hiện hành. Mặc dù dự thảo Luật Đất đai có phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định một số nội dung liên quan đến quản lý đất đai và lâm nghiệp nhưng nội dung này không tương tự như cơ chế đặc thù của các tỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Do đó, theo tôi thì không nên bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số tỉnh kể trên. Việc này chưa chín muồi và có thể đi ngược định hướng và mục tiêu của việc sửa Luật Đất đai là “tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch QH đã nêu rõ quan điểm, với 4 địa phương được Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Chính trị đều đã có các Nghị quyết riêng về phát triển các địa phương này trên cơ sở cân nhắc rất kỹ lưỡng các điều kiện, tiềm năng, thế mạnh, đặc thù, yêu cầu phát triển. “Với những địa phương có tiềm năng, có khả năng phát triển trở thành đầu tàu, động lực thì có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để tạo điều kiện thúc đẩy các địa phương này phát triển, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các địa phương khác, cho cả nước; còn với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn thì có cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ vươn lên, rút ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương khác”. Với những lý do nêu trên, một lần nữa, tôi đề nghị không bãi bỏ nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại các Nghị quyết về thí điểm.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

 

Hải Yến