ĐBQH NGUYỄN THỊ NGỌC XUÂN: KỲ VỌNG CÁC NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 6 ĐẠT CHẤT LƯỢNG TỐT NHẤT

22/10/2023

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc trọng thể vào ngày mai (23/10). Trao đổi trước thềm Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương kỳ vọng, với sự chuẩn bị nghiêm túc cũng như với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các nội dung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sẽ đạt chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...

DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo Chương trình, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương 

Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 6

Phóng viên: Theo dự kiến Chương trình, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành theo 2 đợt và khai mạc vào ngày mai (23/10). Đại biểu đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị của Kỳ họp lần này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Để chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng được trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung, chỉ đạo sâu sát Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan hữu quan rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng toàn bộ nội dung, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thông tin tuyên truyền, an ninh, hậu cần, y tế…để phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp này. Các Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh đã tổ chức tốt tiếp xúc cử tri và tổ chức nhiều hình thức đa dạng để lấy ý kiến góp ý các dự thảo Luật, Nghị quyết trình Kỳ họp.

Phát huy ưu điểm và thành công từ các kỳ họp trước, Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV tiếp tục chia làm 02 đợt để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, giải trình và hoàn thiện tốt nhất các Luật, Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tôi cho rằng, nổi bật trong công tác chuẩn bị Kỳ họp này chính là công tác thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời nội dung Kỳ họp đến đồng bào cử tri cả trong và ngoài nước, được đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, trong đó “lưu ý tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, cần chủ động thông tin thường xuyên, kịp thời diễn biến các phiên họp, nhất là với các phiên thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, không để xảy ra khoảng trống về thông tin; định hướng tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm khách quan, toàn diện, kịp thời, góp phần chuyển tải chính xác, đầy đủ diễn biến kỳ họp đến cử tri và Nhân dân cả nước”.

Qua các kỳ họp trước, tôi nhận thấy, dư luận đánh giá rất cao công tác này, qua đây cử tri theo dõi, đánh giá cao chất lượng các phiên họp, tính dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, công khai, minh bạch, tinh thần vì Dân trong hoạt động của Quốc hội.

Cử tri mong đợi vào những quyết sách hợp ý Đảng lòng dân

Phóng viên: Với khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 09 dự án Luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án Luật khác; đồng thời xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Đại biểu đánh giá thế nào về các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp này?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Theo tôi, công tác chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp cuối năm này được các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, qua nhiều vòng thảo luận, tọa đàm, hội nghị, thẩm tra, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 09 Luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến 08 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, đánh giá nhiều nội dung quan trọng khác như: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét quyết định phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; xem xét các báo cáo của các cơ quan.

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vất; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và xem xét, quyết định vấn đề quan trọng khác. Đối với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này có điểm khác biệt. Theo đó, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ tập trung xem xét tổng thể việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, đầu ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

Dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp 6. Bởi đây là dự án Luật tác động trực tiếp đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, tôi hy vọng các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc, đưa ra phương án tối ưu nhất theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Đảng.

Bên cạnh đó, người lao động trên cả nước cũng đang hướng về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần này. Cử tri mong đợi vào những quyết sách hợp ý Đảng lòng dân về tăng quyền lợi cho người tham gia, mở rộng an sinh xã hội cả về diện bao phủ và các chế độ phúc lợi cho người lao động được hưởng khi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội. Qua đó, người lao động có thể yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, với Quỹ Bảo hiểm xã hội.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện

Phóng viên: Với tinh thần chủ động “từ sớm, từ xa”, đại biểu mong muốn và kỳ vọng như thế nào về Kỳ họp này để giải quyết được những vấn đề cấp thiết của đời sống kinh tế - xã hội và đáp ứng được những mong mỏi của cử tri?

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trước tình hình kinh tế, chính trị quốc tế có nhiều diễn biến, phức tạp, khó đoán định và những yêu cầu cấp bách đặt ra cho đất nước, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội đan xen, ngoài những nội dung thường kỳ tại kỳ họp cuối năm, tôi cho rằng, đây có thể xem là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, sơ kết việc thực hiện các kế hoạch 5 năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta đã đề ra, nhất là những nội dung quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Đặc biệt, đây cũng là kỳ họp Quốc hội tiến hành công việc rất quan trọng là lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tôi cho rằng, đây là nội dung được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Qua đó, cử tri và Nhân dân cả nước cùng tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, giám sát chất lượng thực thi nhiệm vụ, chức trách được giao của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Cùng với đó, các nội dung trình Kỳ họp thứ 6 đều được chuẩn bị từ xa từ sớm, các cơ quan trình xem xét, nghiên cứu, chuẩn bị bài bản, nghiêm túc, theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời được thẩm tra bởi Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Tôi nhận thấy, các nội dung thảo luận, các dự án Luật được cập nhật thường xuyên, liên tục lên ứng dụng trao đổi thông tin trên mạng máy tính của Văn phòng Quốc hội (e-Office) để các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH nghiên cứu, góp ý trước và trong kỳ họp.

Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị nghiêm túc như vậy cũng như với tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, các nội dung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có chất lượng tốt nhất, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình tổ chức thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên thực tế, tạo đòn bẩy đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác