ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN: HÀ NỘI CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ CHO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP

22/11/2023

Đóng góp vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu quan điểm: Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới. Theo đó, Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển nông nghiệp cho các tỉnh khác...

TẠO ĐỘNG LỰC CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN: ƯU TIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO VÀ BỐ TRÍ NGÂN SÁCH CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM

SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ: CẦN CHÚ TRỌNG VẤN ĐỀ BỐ TRÍ QUỸ ĐẤT XÂY DỰNG NHÀ Ở XÃ HỘI

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào ngày 27/11 tới. Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển Thủ đô, đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Đề cập sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thủ đô tại các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Trong hơn 10 năm qua, Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy giá trị trong thực tế, góp phần để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải có những bước đi, những hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; là đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, thân thiện; phát triển nhanh, bền vững.. Theo đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng thể chế hoá được các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực và nguồn lực để thành phố phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ và sứ mệnh của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Cần có cơ chế chính sách ưu tiên đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô

Đóng góp vào việc hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong dự án Luật. Theo đó, dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu nghiêm túc trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 trong thời gian qua, xác định rõ bối cảnh, vị trí, vai trò và yêu cầu phát triển Thủ đô trong tình hình mới. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung, cập nhật, xem xét tính đồng bộ, tính phù hợp với các dự thảo luật sửa đổi về luật đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hoá.

Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Dự án Luật sửa đổi có tính kế thừa cao, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương đối với sự phát triển đất nước nói chung và của Thủ đô trong thời gian tới nói riêng. Đặc biệt, dự án Luật đã đề cập đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát – “là một môi trường thử nghiệm hạn chế, được giới hạn về phạm vi, thời gian và đối tượng tham gia trong lĩnh vực sản xuất, đầu tư, kinh doanh mà chưa có quy định của pháp luật hoặc cần thiết phải thực hiện khác với quy định của pháp luật hiện hành”, làm rõ các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, vùng thủ đô.... các nguồn lực, các quỹ đầu tư đủ mạnh và đủ minh bạch về quản lý, để đảm bảo tính khả thi khi đưa Luật vào cuộc sống.

Trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cấp đến rất nhiều vấn đề nhưng đại biểu Nguyễn Thị Lan làm rõ thêm, góp ý một số vấn đề liên quan đến Nông nghiệp của Thủ đô.

Trước hết, cần phải nhận thức rõ về quan điểm: Mục tiêu ngành Nông nghiệp Hà Nội không nhất thiết phải là tập trung sản xuất hàng hóa có lợi thế để xuất khẩu hay cung cấp cho thị trường trong nước như các tỉnh thành khác, mà quan trọng là cần cung cấp thực phẩm tươi sống đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình,…) cho thành phố. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu, vật liệu, giống có chất lượng cao với hàm lượng khoa học cao cho các tỉnh lân cận. Trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang gương mặt mới: Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp vùng ven đô, nông nghiệp của Hà Nội là nền nông nghiệp trong lòng thủ đô. Hà Nội cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tạo tạo bước đột phá, tạo sự khác biệt và là động lực phát triển nông nghiệp cho các tỉnh khác.

Cần phải cơ cấu lại đầu tư công, cơ cấu lại đất đai cho phát triển nông nghiệp. Đây là nội dung cần đột phát mạnh, cần tập trung chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư vào những ngành có thế mạnh như, giảm đầu tư cho trồng trọt, tăng đầu tư cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Tập trung ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh; Tăng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Hỗ trợ hình thành mới các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp và tổ chức lại các hợp tác xã nông nghiệp hiện có phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012...

 Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cần cơ cấu lại trình độ kỹ thuật nông nghiệp. Đây là một trong những nội dung giữ vị trí quan trọng, trong điều kiện thành phố Hà Nội hiện nay, mức độ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, chưa chú trọng vào nghiên cứu, ứng dụng ở các khâu làm gia tăng giá trị nông sản. Tập trung vào cơ cấu lại loại hình công nghệ theo hướng, giảm các loại công nghệ thủ công truyền thống, ưu tiên cho công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học; Đẩy mạnh áp dụng công nghệ ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất.

Cần cơ cấu lại lực lượng lao động trong nông nghiệp, cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cũng đã thể chế hóa đước các chủ trương lớn của Đảng, nhà nước và Thành phố đã xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều điểm mới quy định về nông nghiệp sinh thái, vùng phát thải thấp… Đặc biệt, trong dự án Luật đã giao cho Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định nhiều vấn đề có tính chất đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn, du lịch nông nghiệp.... có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi về sử dụng đất đai.

Dự án Luật đã bổ sung toàn diện các quy định đến nông nghiệp trong Điều 33 và một số Điều liên quan như quy định về quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số chính sách đặc thù cao hơn các quy định của Trung ương nhằm tạo động lực phát triển nông nghiệp Thủ đô: quy định nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp giá trị cao, cần đầu tư nhiều chất xám và tri thức như lĩnh vực công nghệ cao, giống cây trồng vật nuôi và chế biến nông sản, phát triển kinh tế tập thể, sản phẩm làng nghề và nông nghiệp sinh thái….

Để hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, về Điều 30, hiện nay, Luật quy định quản lý về khoảng không và không gian. Vì vậy, Ban soạnh thảo dự án Luật nên nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý đất bề mặt/tầng canh tác ở các vùng đất nông nghiệp được chuyển đổi sang mục đích khác để tránh làm lãng phí nguồn đất bề mặt có thể sử dụng trồng trọt “vô cùng giá trị này” (tại nhiều nước phát triển đã có quy định rõ về việc này).

- Nghiên cứu và xem xét bổ sung quy định về thực hiện biện pháp giảm phác thải khí nhà kính; quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ cac-bon.

- Tại Điều 29, Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét bổ sung quy định tỷ lệ cây xanh, mặt nước đối với các khu đô thị mới, bổ sung quy định rõ về duy tu, đưa ra quy định quản lý và phát triển nhằm tăng tỉ lệ cây xanh ở các khu đô thị đã hình thành.

- Nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tồn và phát triển diện tích đất nông nghiệp có giá trị cao trong quy hoạch phát triển thành phố như là một điểm quan trọng để phát triển môi trường đô thị bền vững;

- Nghiên cứu bổ sung quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nền nông nghiệp đô thị của Thủ đô với nhiều yêu cầu cao hơn về chất lượng, giá trị và công nghệ vận hành, quản lý. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ học phí cho con em nông thôn học lực giỏi lựa chọn học tập lĩnh vực nông nghiệp và cam kết sau khi học xong trở về công tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương.

Tóm lại, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều đổi mới cần thiết phải được ban hành sớm, tạo sự đột phá và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho sự phát triển kinh tế xa hội của thủ đô trong bối cảnh mới, thách thức mới. Cần có cơ chế chính sách ưu tiên thực sự đột phá để phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng xanh, sạch và bền vững. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) để Hà Nội phát triển xứng tầm với trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học công nghệ của cả nước./.

Bích Lan

Các bài viết khác