GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: BỔ SUNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, THỂ CHẾ HÓA ĐẦY ĐỦ HƠN YÊU CẦU TẠI NGHỊ QUYẾT 43-NQ/TW

27/11/2023

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo của Chính phủ sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Cho ý kiến về nội dung này tại các phiên thảo luận tổ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính; đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, cụ thể hóa đầy đủ hơn yêu cầu tại Nghị quyết43-NQ/TW, tạo điều kiện cho phát triển khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

SẼ TRÌNH QUỐC HỘI NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐẨY NHANH 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo chương trình, ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về báo cáo của Chính phủ sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 119/2020/QH14). Tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 đã giao Chính phủ chậm nhất trong quý IV năm 2023 báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội trình Quốc hội Báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù tại thành phố Đà Nẵng.

Báo cáo của Chỉnh phủ nêu rõ, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW. Trên cơ sở sơ kết Nghị quyết số 119/2020/QH14, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua của Thành phố Hồ Chí Minh và của một số tỉnh, thành phố khác để kiến nghị xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù áp dung cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đô thị, đất đai, tài nguyên, ngân sách…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép xây dựng Nghị quyết về một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và cho phép đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Thống nhất bổ sung cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng.

Cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay chúng ta đang áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở 3 thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020 của Quốc hội, thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019 của Quốc hội và thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020 của Quốc hội.

Đối với mỗi một mô hình chính quyền đô thị có những nét đặc thù riêng, ví dụ thành phố Hà Nội không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp phường, còn thành phố Đà Nẵng, vàThành phố Hồ Chí Minh không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và phường, có nơi không thực hiện ngay, có nơi thí điểm. Nghị quyết 119 của Quốc hội đã yêu cầu thành phố Đà Nẵng sơ kết sau hai năm thực hiện, báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Thời gian qua, tổ chức thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết mới liên quan đến cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, đó là Nghị quyết số 98/2023 (tại Kỳ họp thứ 5). Trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội cũng đang xem xét cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí sẽ tiến hành sơ kết các mô hình đô thị tại Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, những nội dung nào phù hợp sẽ đưa vào dự án Luật Thủ đô; hoặc đưa vào nghị quyết mới về mô hình chính quyền đô thị cho thành phố Đà Nẵng.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, trong Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng chỉ có hai nhóm chính sách, cơ chế đặc thù liên quan đến quy hoạch và liên quan đến tài chính và ngân sách nhà nước. Trong khi đó, tính đến thời điểm này, trừ thành phố Đà Nẵng, Quốc hội đã ban hành 8 nghị quyết về các cơ chế đặc thù cho 7 tỉnh, thành phố và thành phố Buôn Ma Thuật (tỉnh Đắk Lắk). Như vậy, cơ chế đặc thù ở thành phố Đà Nẵng trước đây giới hạn trong hai lĩnh vực, trong khi đó hiện nay đối với các tỉnh và thành phố khác, cơ chế đặc thù đã được mở rộng nhiều lĩnh vực hơn.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhất trí với đề nghị thành phố Đà Nẵng có thể đề xuất với Chính phủ để Chính phủ đánh giá và trên cơ sở thực tế, trình Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết có các cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở phù hợp với điều kiện địa phương, cũng như trên cơ sở kinh nghiệm, các cơ chế đặc thù đã áp dụng cho các tỉnh, thành phố khác theo các nghị quyết của Quốc hội.

Cho ý kiến về Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đồng tình với sự cần thiết đề xuất điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nghị quyết hoặc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đại biểu bày tỏ tán thành với đánh giá của Chính phủ được nêu trong Báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵn; đồng thời thống nhất với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 này theo hướng: Cho phép áp dụng tổ chức thực hiện một mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng theo hướng bỏ thí điểm và thực hiện như mô hình tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tiễn thực hiện mô hình theo như đề xuất của Chính phủ đã nêu.

Đại biểu đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 cho thành phố Đà Nẵng trên cơ sở thực tiễn địa phương, nghiên cứu các chính sách đang áp dụng thí điểm tại các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ… nhằm thể chế hóa có hiệu quả và đầy đủ hơn các yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Song song với đó, triển khai các nghị quyết khác như Nghị quyết số 26, Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị đối với thành phố Đà Nẵng.

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ trong báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Văn Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, thành phố Đà Nẵng có vị trí đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đại biểu tán thành với đánh giá của Chính phủ đã nêu trong báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 119 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 theo hướng cho phép áp dụng tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng, bỏ thí điểm và tương tự như Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực tiễn, thực hiện mô hình như đề xuất của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 119 cho thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở thực tiễn địa phương và nghiên cứu các chính sách đang được áp dụng thí điểm tại các thành phố như Hải Phòng, Hồ Chí Minh… nhằm thể chế hóa hiệu quả và đầy đủ hơn các yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030.

Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng

Phát biểu với vai trò là Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nếu cơ chế đặc thù cho thành phố Đà Nẵng được Quốc hội thông qua sẽ khơi thông và gây lãng phí nguồn lực hiện nay đang vướng mắc.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, quá trình tiến hành sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội khóa XIV đã được chuẩn bị rất nghiêm túc và kỹ lưỡng và đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với Đà Nẵng như áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp quận và cấp phường (không thực hiện thí điểm, bởi sau 3 năm triển khai đã khẳng định mô hình này là phù hợp); Đồng thời, sửa một số nội dung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi cấp quận, cấp phường không phải là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, nghĩa là không phải là một cấp ngân sách mà chỉ là cấp dự toán ngân sách .

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đề nghị cho phép sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 119 của Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu các chính sách đã được áp dụng cho một số địa phương như Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa và nhất là Nghị quyết 98 của Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Mục tiêu sửa đổi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó đã nêu chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo điều kiện cho phát triển khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các cơ chế, chính sách đặc thù cần được nghiên cứu thấu đáo, cụ thể, đảm bảo tính tương quan, tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước. Cùng với, đó, mới đây Bộ Chính trị cũng ban hành Nghị quyết số 26 về phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, trong đó đã đề cập đến vai trò của thành phố Đà Nẵng trong khu vực này. Nghị quyết số 52 của Chính trị về một số các chủ trương và việc tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng xác định vai trò của Đà Nẵng trong hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại thành phố Đà Nẵng…

Các bài viết khác