BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ PHẠM THỊ THANH TRÀ: SỨ MỆNH CỦA TÀI LIỆU LƯU TRỮ ĐỂ PHỤC VỤ CHO SỰ NGHIỆP PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

27/11/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thông tin thêm về dự án Luật này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thanh Trà cho biết, Luật Lưu trữ được sửa đổi một cách căn bản, toàn diện nhằm hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội hóa lưu trữ, hướng tới xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ với sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phát huy giá trị phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

THỂ CHẾ HÓA CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ LƯU TRỮ, ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC NGHIỆP VỤ VỀ LƯU TRỮ

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG ĐÃ RÕ, ĐÃ ĐƯỢC KIỂM NGHIỆM, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TẾ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trong phiên thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Phước, Bình Thuận

Trong phiên thảo luận tại Tổ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) là một luật chuyên ngành nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị, lịch sử, khoa học, văn hóa rất rõ. Tài liệu lưu trữ là một tài sản quốc gia; hơn nữa còn là một tài nguyên phong phú, đa dạng về thông tin phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, chuyện này thì các đồng chí thấy rõ rồi.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, sửa đổi Luật lần này là sửa đổi một cách toàn diện, căn bản. Luật hiện hành có 68 Điều thì chỉ giữ nguyên 2 Điều. Các điều sửa đổi gần như sửa toàn bộ. Ban soạn thảo đã cân nhắc, suy nghĩ lựa chọn rất kỹ lưỡng để đảm bảo yêu cầu của việc sửa đổi có được chất lượng tốt nhất trong xu thế phát triển hiện nay.

Mặt khác, dự án Luật có liên quan đến ít nhất là 16 luật khác; do đó, đòi hỏi phải rà soát để đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông và không bị chồng chéo, không bị xung đột lẫn nhau.

Ban soạn thảo cũng cố gắng để đẩy mạnh một số những vấn đề đang được quan tâm trong xu thế hiện nay là thúc đẩy chuyển đổi số đối với lưu trữ. Đồng thời thúc đẩy thúc đẩy xã hội hóa hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ. Đây cũng là xu hướng của thế giới khi hiện nay 120 quốc gia đều rất quan tâm về vấn đề lưu trữ, toàn dân làm công tác lưu trữ. Chính vì thế Ban soạn thảo cũng rất chú trọng đến vấn đề lưu trữ tư để thúc đẩy xã hội hóa lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ, nếu như trước đây quan niệm về lưu trữ chủ yếu bảo quản là chính nhưng hiện nay sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phải phát huy được giá trị tài liệu để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, để đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra, dự thảo Luật lần này quy định rất rõ về các nội dung thẩm quyền, phân cấp cụ thể, xác định rõ phần nào là phông của Đảng, phần nào của phông Nhà nước và bảo đảm để tất cả hệ thống chính trị đều phải thực hiện công tác lưu trữ và thông qua đó, để phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ. Dự thảo Luật không chỉ phân cấp mà còn quy định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, trong cả khối Đảng, khối Nhà nước.

Trước một số ý kiến bày tỏ băn khoăn đối Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao có nhất thiết phải phân cấp riêng không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm, đây là các cơ quan cơ mật quốc gia nên những vấn đề liên quan đến tài liệu lưu trữ, đặc biệt tài liệu lưu trữ lịch sử, tài liệu lưu trữ nghiệp vụ phải giao cho Bộ để quản lý.

Cùng với đó, nhiều ý kiến phản ánh lưu trữ ở cấp xã thực tế rất khó khăn. Nếu không đực quy định trong Luật thì sẽ không có cơ chế, chính sách và có cơ sở để có thể có những điều kiện đầu tư để bảo đảm quản lý được tài liệu lưu trữ cấp xã. Do đó, Ban soạn thảo đã bổ sung trong dự thảo Luật nội dung lưu trữ cấp xã là một cấp để quản lý tài liệu lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trao đổi thêm về các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm:

Thứ nhất, làm sao để đảm bảo được các điều kiện, nguồn lực để làm tốt công tác vừa quản lý tài liệu lưu trữ hay còn gọi bảo quản tài liệu lưu trữ và vừa phát huy được giá trị tài liệu lưu trữ.

Thứ hai, làm sao để thúc đẩy được chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác lưu trữ.

Thứ ba, về vấn đề lưu trữ tư. Nêu rõ, đây là nội dung rất mới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ cố gắng thiết kế mở hơn, thông thoáng hơn để Nhà nước khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy lưu trữ tư. Bộ trưởng nhấn mạnh có thúc đẩy xã hội hóa và thúc đẩy xã hội lưu trữ và thúc đẩy một quốc gia lưu trữ chính từ khối lưu trữ tư này. Do đó, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc để tính toán thiết kế.

Thứ tư, về chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ, nếu đặt ra những quy định quá chặt chẽ thì sau này sẽ khó có thể có được nguồn lực để thúc đẩy xã hội hóa. Do đó, thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục sửa, chỉnh lý dự thảo Luật để đáp ứng được mức độ theo hướng cơ quan cấp cao cần chứng chỉ; nhưng đối với xã hội việc quy định thêm những chứng chỉ hành nghề sẽ là phức tạp và không cần thiết mà chỉ cần đưa ra những điều kiện tiêu chuẩn./.

Bảo Yến

Các bài viết khác