THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM KHẢ THI, CHẶT CHẼ
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ KHÔNG PHẢI CHỈ RIÊNG CỦA HÀ NỘI MÀ THỰC CHẤT LÀ CHO CẢ NƯỚC
Bày tỏ mong muốn Luật Thủ đô với các nội dung sửa đổi mạnh mẽ sẽ được thông qua, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng những quy định này không chỉ giúp cho Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và hướng đến xây dựng một Thủ đô văn minh, an toàn, hiện đại, xứng tầm, mà qua kiểm nghiệm, chứng minh trong thực tế sẽ tiếp tục cải cách, đổi mới, sửa đổi các văn bản pháp luật khác, để cho các địa phương khác cũng có thể vận dụng, áp dụng những quy định tương tự để có cơ hội để phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh để đạt được mục tiêu ban hành luật, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát hoàn thiện nhiều nội dung.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu tại Tổ 17 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh An Giang, Bắc Giang, Gia Lai
Góp ý về Điều 34 về biện pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết đây là quy định mới và cho rằng nếu có thể nhân rộng cho các địa phương khác trong cả nước sẽ có tác động rất tích cực. Trong đó, khoản 2 Điều 34 dự thảo Luật quy định: “a) Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm”.
b) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy đã bị lập biên bản vi phạm hành chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản này có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó;
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ở thành phố Hà Nội có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản này.”
Như vậy dự thảo Luật quy định việc xử phạt hành chính trên địa bàn Thủ đô theo hướng: mức khung hình phạt tăng gấp đôi. Ngoài ra còn quy định biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện và nước tại địa điểm vi phạm là nội dung rất mới.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng nếu như Điều 34 dự thảo Luật về xử phạt hành chính thiết kế thêm một khoản cho phép cơ quan nhà nước được được trích tiền từ trong tài khoản của tổ chức, cá nhân có vi phạm sẽ hợp lý hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có cơ chế để mỗi công dân khi sử dụng một số dịch vụ công như điện, nước, đóng học phí hoặc là một số các khoản khác phải thực hiện bằng tài khoản định danh của mình, bằng tài khoản mở tại ngân hàng gắn với định danh của mình. Từ đó bảo đảm việc chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ vi phạm về giao thông, về sử dụng đất, về công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh đánh giá cao quy định của dự thảo luật về thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (Điều 40); về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công được quy định tại Điều 42 dự thảo Luật
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, khoản 1 Điều 42 dự thảo Luật quy định cho phép thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, cho rằng không nên dùng hợp đồng nhượng quyền kinh doanh mà nên chuyển thành hợp tác công tư trong quản lý và khai thác tài sản công sẽ bảo đảm bảo bao trùm. Đại biểu nêu rõ, nếu quy định là hợp tác công tư sẽ mở rộng được ra các lĩnh vực khác.
Đại biểu dẫn chứng thực tế các sân vận động từ cấp huyện, cấp xã đến cấp tỉnh gần như chất lượng xuống cấp, có khi bị bỏ hoang hóa, song hằng năm đều mất ngân sách, trong khi lại thiếu các khu vui chơi cho trẻ em. Nếu như kết hợp công tư, tức là cho tư nhân đứng ra quản lý vận hành thì các sân bóng đều rất đẹp. Tại Bắc Giang, sau khi mời gọi các doanh nghiệp lớn, các câu lạc bộ lớn về thì sân vận động tỉnh được duy trì, quản lý sân rất đẹp và người dân không gian để vui chơi, hoạt động thể thao. Ngoài ra, tại Bắc Giang trong quá trình sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, có những diện tích thừa, thừa cơ sở vật chất. Tỉnh đã hợp tác với các trường nghề, trong đó có trường nghề FPT để tận dụng và đưa vào sử dụng.
Nêu rõ các dạng hợp tác công tư trong quản lý, khai thác tài sản công trên, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng không nên dùng từ "nhượng quyền kinh doanh", bởi cũng có những trường hợp không vì mục tiêu lợi nhuận.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng. Không nên chỉ dừng ở công trình văn hóa, thể thao mà nên mở rộng thêm về y tế, giáo dục và các lĩnh vực sự nghiệp khác. Đại biểu nhấn mạnh hợp tác công tư sẽ giúp khắc phục được những bất cập của cơ chế quản lý bao cấp, quan liêu của nhà nước và khai thác, quản trị hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả hai bên và cung cấp dịch vụ, phục vụ Nhân dân tốt hơn.
Liên quan đến Chương 5 liên kết vùng Thủ đô, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định về trách nhiệm chính quyền địa phương tại Điều 47. Theo đó, thì nên bổ sung thêm một điều khoản đó là chính quyền địa phương không được hạn chế hoặc cấm sử dụng các nguồn lực, nguồn nguyên liệu của địa phương mình cho việc phát triển Thủ đô. Đại biểu cho biết, thực tế quá trình phát triển Thủ đô thời gian tới sẽ có nhu cầu sử dụng đất đá, cát cho san lấp, xây dựng. Trong khi hầu hết các mỏ đất ở địa phương cấp phép khai thác hạn chế và không cho vận chuyển ra ngoài. Với vị trí, vai trò của Thủ đô là trái tim của cả nước, sự phát triển của Thủ đô cũng góp phần phát triển đất nước. Do đó, các địa phương đều cần có trách nhiệm.
Tại Điều 49 quy định 10 lĩnh vực trọng tâm ưu tiên liên kết của vùng Thủ đô gồm phát triển nông nghiệp sinh thái theo chuỗi giá trị; Phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; Bảo tồn và phát triển văn hóa, lịch sử, du lịch; Phát triển khoa học và công nghệ; Quản lý lao động; Quản lý và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Quản lý đất đai; Quy hoạch xây dựng; Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; Phát triển và quản lý hệ thống giao thông vận tải
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm lĩnh vực thứ 11 là sử dụng chung các nguồn tài nguyên cho phát triển Thủ đô. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc các địa phương cấp phép khai thác mỏ nguyên vật liệu để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển của Thủ đô./.