GÓC NHÌN: GÓP Ý HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ THU HÚT NHÂN TÀI, CHẾ ĐỘ THU NHẬP CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TẠI DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Theo chương trình kỳ họp thứ 6, sáng ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật Thủ đô đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 21/11/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2013.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Thủ đô đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò và định hướng phát triển Thủ đô, đã tác động tích cực tới phát triển kinh tế- xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Đề cập sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thủ đô tại các nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW, đặc biệt là Nghị quyết số 15- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định xây dựng, phát triển thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại” và khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua hơn 09 năm thi hành Luật Thủ đô năm 2012.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề cập về sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong hơn 10 năm qua, Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy giá trị trong thực tế, góp phần để Hà Nội thực sự trở thành trung tâm chính trị - hành chính quốc gia. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của đất nước, đòi hỏi Thủ đô Hà Nội phải có những bước đi, những hành lang pháp lý thực sự đột phá để Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; là đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, thân thiện; phát triển nhanh, bền vững.. Theo đó, một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng thể chế hoá được các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, tạo động lực và nguồn lực để thành phố phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ và sứ mệnh của Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cần có dự liệu con số cụ thể nguồn thu, nguồn huy động dự kiến
Trên cơ sở nghiên cứu dự án luật Thủ đô (sửa đổi), Tờ trình dự án luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại biểu Trần Văn Khải-Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị làm rõ hơn về 3 vấn đề: (1) Nguồn lực thực thi; (2) Trách nhiệm cá nhân; (3) Thống nhất quản lý bộ ngành (nhất là lĩnh vực kiến trúc).
Thứ nhất, về nguồn lực thực thi: Theo số liệu ban đầu cho thấy, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu chi cho đầu tư phát triển của Thủ đô là 650 nghìn tỷ đồng, song khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước (NSNN) của Thủ đô chỉ là 284,1 nghìn tỷ đồng, với mức thiếu hụt là 365,8 nghìn tỷ đồng hay 56% tổng nhu cầu chi. Dự báo tổng nhu cầu chi này sẽ tăng lên 704,8 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2026-2030 song mức thiếu hụt cũng được dự báo sẽ tăng lên mức 394,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, theo quy hoạch Thủ đô có 10 tuyến đường sắt đô thị với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1 triệu tỷ, hiện nay Hà Nội mới đang triển khai một tuyến nhưng còn dở dang. Nguồn vốn đầu tư 09 tuyến còn lại chưa rõ lấy ở đâu và bao giờ có thể hoàn thành.
Đại biểu Trần Văn Khải-Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.
Rõ ràng, cơ chế chính sách tài chính cũng như nguồn lực dành cho Thủ đô như một chiếc áo quá chật, rất nhỏ so với nhu cầu phát triển Thủ đô trong điều kiện bình thường, chứ chưa nói đến thực hiện Quy hoạch Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Ngay cả so với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù dành cho thành phố Hồ Chí Minh quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 thì cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô cũng hoàn toàn chưa tương xứng.
Câu hỏi đặt ra là Thủ đô sẽ lấy đâu ra nguồn lực để thực thi khi Luật có hiệu lực thi hành, cụ thể như ngân sách của Thủ đô hàng năm sẽ tăng là bao nhiêu %? Và sẽ không làm ảnh hưởng tới ngân sách chung như thế nào? Các nguồn lực huy động từ cơ chế như khai thác giá trị gia tăng từ đất; cơ sở hạ tầng, nguồn lực xã hội, phát huy nguồn lực từ khu vực tư nhân; hợp tác quốc tế, Bộ ngành; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài sản công…
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, cần có dự liệu con số cụ thể nguồn thu, nguồn huy động dự kiến sẽ là bao nhiêu? Bên cạnh đó là con số dự liệu cụ thể chi cho phát triển hàng năm và từng giai đoạn, chi cho các dự án kế hoạch mở rộng, cho đội ngũ cán bộ viên chức, hợp đồng, chi cho lĩnh vực ưu tiên như văn hoá, khoa học, giáo dục... Nếu không xác định được rõ nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực thì Luật Thủ đô sẽ thiếu tính thực tiễn và nhiều mục tiêu đề ra chỉ dừng ở "khẩu hiệu", khó khả thi như ngạn ngữ có câu “Người ta không thể quét quá xa khi cái chổi quá ngắn”.
Vì vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị hồ sơ dự án Luật cần giải trình rõ hơn, bằng con số cụ thể hơn các nguồn lực dự kiến huy động, các cơ chế cần thiết để thu hút đầu tư khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, từ đó bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá để Thủ đô phát triển xứng tầm vào trong dự thảo luật.
Ngoài tăng thêm đại biểu HĐND chuyên trách, cần tăng thêm đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND quận
Thứ hai, về trách nhiệm cá nhân: Tại Điều 10. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Điều 12. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã; Điều 14. Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội… mới quy định nhiệm vụ và quyền hạn của người đứng đầu mà không có quy định rõ trách nhiệm của họ như trách nhiệm tiếp dân, doanh nghiệp… như thế nào? Hoặc cụ thể trách nhiệm kiểm tra đôn đốc thực hiện, hoàn thành các mục tiêu đề ra, các dự án ra sao, quy định ở đâu? Thêm quyền thì thêm trách nhiệm gì?… Không chỉ dừng lại như quy định ở Điều 57. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và Nhân dân Thủ đô có tính bao quát chưa chỉ rõ trách nhiệm cá nhân. Đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp.
Khi bỏ HĐND phường và tăng đại biểu HĐND chuyên trách như Báo cáo thẩm tra đề xuất là rất hợp lý. Tăng thêm 30- 40% đại biểu chuyên trách là cần thiết, để HĐND thực hiện quyền lực thực sự và bao quát. Tuy nhiên, khi cấp phường không có HĐND nếu chỉ tăng chuyên trách HĐND thành phố là chưa đủ vì số lượng đơn vị phường không có HĐND là rất lớn. Để thành phố và quận giám sát được hết các phường thực hiện chức năng nhiệm vụ là rất khó, nên giám sát càng trở nên rất hình thức. Vì vậy, ngoài tăng thêm đại biểu HĐND chuyên trách cần tăng thêm đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND quận. Có như vậy, mới tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương khi thí điểm bỏ HĐND phường.
Về cơ chế bổ nhiệm Chủ tịch UBND phường, các thành viên Ủy ban phường cần làm rõ HĐND quận có phê chuẩn hay không vì Điều 11 của dự thảo luật về HĐND quận, thị xã không quy định? Điều này liên quan đến HĐND giám sát hoạt động của UBND phường tiến hành thường xuyên như thế nào cho hiệu quả… Việc này cần quy định rõ trong dự luật. Chính quyền cơ sở mạnh thì Thủ đô mạnh, chính quyền cơ sở yếu, Thủ đô yếu!
Xem xét giao cho đơn vị nào làm đấu mối, chịu trách nhiệm chính
Thứ ba, về thống nhất quản lý Bộ ngành và chính quyền Thủ đô. Đặc biệt là quy định tại Điều 21. Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị: Về cơ bản, đại biểu Trần Văn Khải nhất trí với quy định tại dự thảo và ý kiến của cơ quan thẩm tra là: phải xác định rõ cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành với chính quyền thành phố Hà Nội khi xây dựng dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, xác định rõ vai trò của chính quyền thành phố Hà Nội và cơ chế xử lý trong trường hợp giữa Bộ, ngành và chính quyền Thành phố có ý kiến khác nhau về nội dung của chính sách.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ những lĩnh vực quan trọng như: Xây dựng, quản lý đô thị, dự án đầu tư của Trung ương trên địa bàn thủ đô và những vấn đề quy định tại Điều 22. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Có một vấn đề lưu ý về quản lý kiến trúc công trình ở Thủ đô, nhất là khâu thực thi không nhất quán sẽ tạo bộ mặt thủ đô méo mó, lộm cộm, xung khắc, xây cao rồi cắt xén... Việc này cần xem xét giao cho đơn vị nào làm đấu mối, chịu trách nhiệm chính hay có thể tổ chức chuyên môn như Kiến trúc sư trưởng thành phố trước đây với quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng là cơ quan chuyên môn có quyền chuyên môn giữ gìn kiến trúc từng nhà, khu vực và tổng thể bộ mặt, hình hài kiến trúc Thủ đô ngàn năm văn hiến. Khi quyền hạn chuyên môn kiến trúc cao hơn quyết định hành chính của chính quyền hay Bộ ngành để thực hiện quy định quản lý kiến trúc thống nhất của thành phố, Bộ Xây dựng thì sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, lâu dài, thống nhất và đồng bộ. Đây là một chế định nhiều nước phát triển áp dụng để quản lý kiến trúc thống nhất và giữ gìn kiến trúc văn hoá truyền thống đặc biệt ở những đô thị cổ kính như Thủ đô các nước./.