ĐẠI BIỂU ĐẶNG BÍCH NGỌC – ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÒA BÌNH: CẦN CÓ CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ TƯ

27/11/2023

Góp ý về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc tán thành với sự cần thiết ban hành luật; đồng thời đề nghị cần có thêm quy định cụ thể nhằm đảm bảo khuyến khích lưu trữ tư, có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư.

THỂ CHẾ HÓA CÁC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VỀ LƯU TRỮ, ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN CÁC NGHIỆP VỤ VỀ LƯU TRỮ

THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI): LUẬT HÓA TỐI ĐA CÁC NỘI DUNG ĐÃ RÕ, ĐÃ ĐƯỢC KIỂM NGHIỆM, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THỰC TẾ

Phó trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc bày tỏ hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Lưu trữ và làm rõ Luật Lưu trữ năm 2011 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã có những kết quả nhất định. Theo đó, đã góp phần đưa công tác lưu trữ trong thời gian qua có rất nhiều thay đổi và đã tạo được nề nếp; hoạt động lưu trữ được quan tâm từ Trung ương đến tỉnh và đến huyện.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc

Bên cạnh những kết quả đạt được thì Luật Lưu trữ năm 2011 còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nhiều quy định không còn phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như hiện nay. Do đó, cần có sự đánh giá, xem xét, bổ sung những quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu cũng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang rất quan tâm đến lưu trữ tư, đẩy mạnh công nghệ 4.0 để thực hiện số hóa thì việc sửa đổi Luật Lưu trữ lần này là phù hợp, nhằm thể chế các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động lưu trữ và thực hiện nghiệp vụ lưu trữ được tốt hơn. Đại biểu khẳng định việc sửa đổi luật trong giai đoạn hiện nay hết sức cần thiết.

Về hồ sơ của dự án luật, đại biểu cho rằng dự án luật đã được chuẩn bị tương đối công phu; các chính sách thể hiện trong dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội. Các tài liệu chuẩn bị cho việc trình dự án luật gồm cả các báo cáo so sánh, nghiên cứu các nội dung để phục vụ cho việc nghiên cứu luật đã được Chính phủ chuẩn bị tương đối chu đáo.

Để đảm bảo tính phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, đại biểu đề nghị dự thảo luật tiếp tục rà soát kỹ các quy định của luật để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan, như Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và một số dự án luật khác như Luật Kế toán và Luật Công chứng để đảm bảo sau khi luật này có hiệu lực sẽ tạo điều kiện, tránh chồng chéo, xung đột giữa các luật, làm khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.

Về các hoạt động lưu trữ tư tại Chương VI, đại biểu cho biết thực tiễn khi kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn, để huy động lưu trữ tư thì các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước sẽ thực hiện lưu trữ nhằm phát huy giá trị tài liệu trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật rà soát trong quy định đảm bảo khuyến khích lưu trữ tư, quản lý nhà nước về lưu trữ tư phải có những đặc thù hơn so với lưu trữ công.

Đồng thời đề nghị bổ sung vào Điều 45 về quy định nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ,  một số quy định theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Trong một số trường hợp có thể hỗ trợ về tài chính đối với các đơn vị lưu trữ tư, tạo điều kiện cho các đơn vị có thể phát huy được tính chủ động, phát huy được những nguồn tài liệu quý giá trên cơ sở khuyến khích lưu trữ tư tham gia cùng với Nhà nước để thực hiện hoạt động lưu trữ, để huy động tối đa các tài liệu từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho việc lưu trữ các tài liệu của đất nước, tài liệu quý giá qua các giai đoạn, thời kỳ lịch sử sẽ đảm bảo được lưu giữ một cách đầy đủ.

Cùng với đó, cần quy định rõ hơn về thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng, mua bán tài liệu lưu trữ. Có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tổ chức trong hiến tặng tài liệu lưu trữ cho nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện.

Đại biểu cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm đến hoạt động lưu trữ. Lưu trữ tư cũng được quan tâm. Thực tiễn tại Việt Nam, ngay tại địa bàn tỉnh Hòa Bình có Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam của Đại biểu Quốc hội GS. Nguyễn Anh Trí, là nơi lưu trữ rất nhiều tư liệu về khoa học, các công trình nghiên cứu của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, các lĩnh vực của đời sống, được thực hiện hết sức bài bản, công phu.

 

Do đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý đặc thù để khuyến khích được tối đa hoạt động của lưu trữ tư. Bởi vì, nếu như quy định quá cứng thì trong quá trình phối hợp giữa Nhà nước và tư nhận để phát huy hiệu quả, giá trị của lưu trữ tư thì sẽ bị tác động và ảnh hưởng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm để Nhà nước cùng với các tổ chức xã hội thực hiện xã hội hóa lưu trữ đạt được chất lượng, phát huy tối đa giá trị của nguồn dữ liệu, vừa trên tinh thần quản lý nhà nước về công tác lưu trữ này nhưng vẫn phát huy được tối đa giá trị, hiệu quả.

Bên cạnh những quy định đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân trong lưu trữ của mình có thể đảm bảo các hoạt động khai thác, sử dụng các tài liệu lưu trữ tư này, cũng nên quy định Nhà nước được ưu tiên mua lại những tài sản có giá trị đặc biệt. Phạm vi xác định giá trị đặc biệt để có những cơ chế đặc biệt để Nhà nước là đối tượng được ưu tiên khi lưu trữ tư có mong muốn chuyển nhượng, để Nhà nước tiếp cận và phát huy giá trị của tư liệu, tài liệu lưu trữ.

Ngoài ra, đại biểu Đặng Bích Ngọc cũng góp ý về một số điều khoản cụ thể của dự thảo Luật. Theo đó, về chứng chỉ hành nghề lưu trữ Điều 57 dự thảo luật có quy định là chứng chỉ hành nghề lưu trữ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đại biểu đề nghị cần phải quy định cụ thể thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ là giao cho cơ quan nào? Để bảo đảm thống nhất, dễ thực hiện. Đồng thời, cần xem xét, rà soát các điều kiện cấp chứng chỉ. Đại biểu cho rằng nếu các quy định về điều kiện quá ngặt nghèo thì khó có thể có nhân sự thực hiện hoạt động lưu trữ

Đại biểu cho biết, hoạt động lưu trữ là một hoạt động hết sức vất vả, đòi hỏi người làm lưu trữ phải hết sức tỉ mỉ, chịu khó và có những việc đòi hỏi phải yêu nghề thì mới có thể làm. Do đó, cần có những quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ làm công tác lưu trữ được phát huy.

Về phát huy giá trị lưu trữ, đại biểu cho biết nếu như trước đây vẫn coi lưu trữ là để cất, để bảo quản, nhiều nơi tài liệu lưu trữ chưa được phát huy giá trị tài liệu, chưa được đưa ra để tuyên truyền và nhiều người chưa có điều kiện để tiếp cận tài liệu lưu trữ này.

Trong khi đó, hiện nay ở các tỉnh, ở cả Trung ương, các trung tâm lưu trữ quốc gia đã rất tạo điều kiện trong việc cho người dân vào để đọc tài liệu hoặc có thể vào đấy để tra cứu, tạo điều kiện trong việc có thể photo, cung cấp những tài liệu trong trường hợp người dân cần đến. Với mong muốn mọi người đều có thể được tiếp cận với tài liệu lưu trữ, phát huy được giá trị tài liệu, đại biểu đề nghị là cần mở rộng hơn các hình thức để tiếp cận tài liệu lưu trữ, tạo điều kiện tốt nhất để cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận những nguồn tài liệu quý giá này./.

Bảo Yến

Các bài viết khác