ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH: KỲ VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024 - NHIỀU TRIỂN VỌNG KHỞI SẮC

30/12/2023

Từ những kết quả đạt được trong năm 2023, TS.Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên kỳ vọng, năm 2024 nền kinh tế Việt Nam sẽ có những triển vọng khởi sắc hơn, khả quan hơn dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt hơn nữa của Chính phủ, đề ra các giải pháp căn cơ để phục hồi nền kinh tế. Trong đó, hệ thống pháp luật từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, bất động sản, tài chính, tín dụng….

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI BIỂU QUYẾT THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2024

TS.Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Kinh tế Việt Nam năm 2024: Nhiều triển vọng khởi sắc

Phóng viên: Năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ được phục hồi tốt hơn. Tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó nêu rõ chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6%-6,5% trong năm 2024. Vậy đại biểu có kỳ vọng gì về triển vọng kinh tế của nước ta trong năm tới?

TS.Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Tôi nghĩ rằng, với những kết quả đạt được từ năm 2023, chúng ta kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, khởi sắc hơn về kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi.

Thứ nhất, hệ thống nền tảng pháp luật của chúng ta đang được tháo gỡ từng bước những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến sản xuất kinh doanh, liên quan đến bất động sản, liên quan đến những vấn đề về tài chính, tín dụng… đang được từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta vẫn có những điểm sáng, đặc biệt là trong xuất khẩu nông sản với rất nhiều ngành hàng hiện nay đang có giá trị xuất khẩu lớn. Và rất nhiều ngành đã đạt được con số trên 1 tỉ USD, đặc biệt là ngành rau quả.

Bên cạnh đó, lúa gạo vẫn là nền tảng, giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu hiện nay, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu để đóng góp ngoại tệ cho đất nước.

Có thể nói, nông nghiệp vẫn đang trên đà ổn định và Chính phủ đang từng bước tích cực tháo gỡ những khó khăn, rào cản đối với việc thực hiện các Hiệp định thương mại quốc tế với EU, AFTA hay là tiếp tục mở rộng các thị trường sang khu vực khác như khu vực Mỹ Latinh bên cạnh các thị trường truyền thống.

Với sự kết hợp rất nhiều biện pháp cũng như những kết quả đạt được trong năm 2023 và những chỉ đạo trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, năm 2024, tôi hi vọng rằng triển vọng kinh tế nước ta sẽ đạt kết quả khả quan hơn và tốt hơn.

Ảnh minh họa

Còn về mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6% - 6,5% thì tất nhiên đó là kỳ vọng của chúng ta. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, chúng ta sẽ bị tác động, ảnh hưởng rất nhiều từ các yếu tố:

Thứ nhất, phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài trong bối cảnh về địa chính trị đang có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, sẽ trực tiếp tác động đến chuỗi kinh tế toàn cầu mà nền kinh tế nước ta đang có độ mở lớn và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đó.

Thứ hai, phụ thuộc vào những nỗ lực từ phía trong nước, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ những khó khăn về thể chế, về cơ chế, chính sách kịp thời cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, phụ thuộc những biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hỗ trợ, chính sách phát triển, đặc biệt liên quan đến chính sách về tín dụng và vốn đầu tư. Đó là những vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, còn liên quan đến yếu tố về đầu tư nước ngoài, FDI vẫn là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế của nước ta. Chúng ta cần thiết lập một chính sách ổn định nhằm thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần để thu hút đầu tư mới, vừa để tăng cường mở rộng tái đầu tư. Và việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua cũng là một nội dung quan trọng, bên cạnh việc thực hiện những quy định của các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), mặt khác phải có những chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Như vậy, với những động thái tích cực và những kết quả đạt được của năm 2023, tôi hy vọng rằng, năm 2024 nền kinh tế của nước ta sẽ có những triển vọng tốt hơn, khởi sắc hơn.

Điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp 

Phóng viên: Đại biểu vừa cho thấy những điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, vậy lĩnh vực công nghiệp của nước ta có những điểm sáng nào không, thưa đại biểu?

TS.Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Công nghiệp nước ta cũng có những điểm sáng nhất định liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục được đầu tư, đặc biệt là liên quan đến các ngành chế tạo, các ngành máy tính, điện tử và bán dẫn là những ngành hiện nay đang bắt kịp được thị trường thế giới và chúng ta đang định hướng được cho những lĩnh vực này. Và Chính phủ quyết định sắp tới tiến hành đào tạo để có được khoảng 50.000 nhân lực cho ngành chế tạo bán dẫn, vì vậy đây cũng là một ngành quan trọng.

Bên cạnh đó, một số ngành khác liên quan đến sản xuất hàng công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô hoặc một số những ngành để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tiếp tục có những khởi sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự khởi sắc đó, chúng ta cũng gặp khó khăn liên quan đến các ngành dệt may và ngành gỗ. Các ngành này hiện đang bị tác động rất nhiều bởi yếu tố thị trường, bởi những rào cản kỹ thuật mà bắt buộc chúng ta phải hội nhập trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn xanh của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Điều này đòi hỏi bắt buộc các ngành công nghiệp trong nước phải có những thay đổi để có thể giữ được những đơn hàng và mở rộng các thị trường và những đơn hàng mới. Đây là những yêu cầu bắt buộc mà chúng ta phải làm.

Lĩnh vực công nghiệp cũng là một điểm sáng, liên quan đến các ngành chế tạo, các ngành máy tính, điện tử và bán dẫn, chế tạo, lắp ráp ô tô... (Ảnh minh họa)

Phóng viên: Đại biểu vừa đề cập ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy đại biểu có kiến nghị giải pháp gì để thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của ngành công nghiệp này?

TS.Nguyễn Lâm Thành, ĐBQH tỉnh Thái Nguyên: Công nghiệp chế tạo luôn được xác định là một ngành chủ đạo tuy nhiên thị phần ngành công nghiệp chế tạo của nước ta hiện nay chưa được nhiều. Đối với các nước phát triển, ngành công nghiệp chế tạo rất quan trọng với các thiết bị máy móc, các công nghiệp nền tảng để phục vụ cho các ngành sản xuất khác. Trong khi đó tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo của nước ta chưa nhiều.

Tôi nhận thấy, trong một thời gian dài chúng ta tiếp cận theo hướng là phát triển những ngành để hướng tới xuất khẩu nhiều hơn. Nhưng phần công nghiệp nền, công nghiệp chế tạo đòi hỏi phải có nền tảng công nghệ về kỹ thuật cao thì chúng ta chưa tiếp cận được nhiều. Chủ yếu chúng ta đang đi theo hướng bắt kịp những gì mà chúng ta hội nhập được nhanh, còn đối với công nghiệp chế tạo nền tảng, hiện nay chúng ta phải xác lập lại và định hướng lại để có những chính sách phù hợp, đặc biệt có những đầu tư phù hợp, có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này. Từ đó chúng ta mới có thể xây dựng được nền công nghiệp tiên tiến và hiện đại, hội nhập với quốc tế.

Ngành cơ khí và ngành chế tạo là những ngành công nghiệp nền tảng rất quan trọng, bắt buộc phải có những chính sách, đầu tư tập trung. Để thực hiện được, chúng ta cần quan tâm đến rất nhiều vấn đề như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế khuyến khích, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi, ưu tiên. Chúng ta thấy rằng, trong các Nghị quyết cũng đã nêu vấn đề này, nhưng việc thể chế hóa để trở thành nhận thức cho việc thực hiện thì chúng ta còn đang trong tiến trình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác