ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

26/06/2024

Trong sáng 26/06, Quốc hội sẽ thảo luận chính thức tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc sửa đổi Luật này là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG QUY ĐỊNH VIỆC THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG CÁC VỤ VIỆC DÂN SỰ, VỤ ÁN HÀNH CHÍNH CỦA TÒA ÁN

ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN: CẦN MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐÓNG BHXH CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phóng viên: Hôm nay (26/06), Quốc hội sẽ thảo luận chính thức tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ông có đánh giá thế nào về tính cấp thiết, tính phù hợp, tính thống nhất, cũng như tính tương thích của dự thảo Luật này?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Tôi hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản văn hóa để nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến văn hóa. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc do Luật hiện hành quy định và các vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đáp ứng với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên về việc bảo tồn các di sản văn hóa.

Tôi nhận thấy, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng đã cơ bản phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”… Đồng thời, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan; phù hợp với các Công ước của UNESCO như: Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972; Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003…

Phóng viên: Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là nội dung đang còn có ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, có cần Quỹ này không? Nếu có, cần quy định như thế nào để bảo đảm tính khả thi của Quỹ cũng như đóng góp thiết thực vào việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Cá nhân tôi cho rằng cần có Quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Quỹ này là nguyện vọng của những người làm văn hóa. Theo dự thảo Luật, nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài... Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Bởi vậy để đạt hiệu quả như mong muốn, tôi nghĩ chúng ta phải đánh giá kỹ về tác động, tính khả thi của việc thành lập Quỹ và có các quy định cụ thể, phù hợp để bảo đảm hoạt động của Quỹ công khai, minh bạch. Đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù để quản lý tài chính về thu chi, như: phí, lệ phí, kinh phí hỗ trợ, việc duy tu, sửa chữa… nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Phóng viên: Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu còn quan tâm và có góp ý thêm vào những nội dung nào?

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Để tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh một số nội dung.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, quy định như dự thảo Luật, tôi cho là chưa có tính khái quát cao, cần rút ngắn và bao quát nội hàm của Luật, theo hướng: “Luật này quy định về di sản văn hóa; bảo tàng; điều kiện đảm bảo và hoạt động kinh doanh, dịch vụ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; trách nhiệm quản lý di sản văn hóa”.   

Thứ hai, về đối tượng áp dụng tại Điều 2, dự thảo Luật cần bố cục lại theo hướng: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân là người Việt Nam định cư ở Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân là người nước ngoài định cư tại Việt Nam”.

Thứ ba, về giải thích từ ngữ tại Điều 3, tại khoản 2 của Điều này quy định: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Tuy nhiên, tại khoản 3 quy định “ Di tích lịch sử văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình xây dựng, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”.

Do vậy, tôi cho rằng, tại khoản 2 Điều này nên chỉnh lại theo hướng: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần giải thích bổ sung cụm từ: “Di sản văn hóa”.

Thứ tư, về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa tại Điều 7, tôi thấy rằng, các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định rất nhiều. Tuy nhiên, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa vật thể rất hạn chế. Dự thảo Luật đề cập tới chính sách đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích xuống cấp nghiêm trọng, bảo vật quốc gia. Còn di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật được quy định tại khoản 1 Điều 3 lại không có chính sách của Nhà nước để bảo tồn, phát huy giá trị di sản này… Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về nội dung này.

Thứ năm, về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại Điều 10, tôi cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần xem xét thấu đáo. Bởi, tại khoản 1 của Điều này quy định hoạt động kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng năm. Tuy nhiên, tại khoản 2 và khoản 3 lại quy định định kỳ 5 một lần với cấp tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần. Như vậy, rõ ràng có sự không thống nhất giữa các khoản 1, 2, 3 của Điều này.

Cuối cùng, về dự án đầu tư, xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ tại Điều 27, tại khoản 2 của Điều này đang quy định: “Việc thực hiện quy trình dự án sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trên cơ sở hiện trạng công trình đã có tại di tích trong khu vực bảo vệ của di tích phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và chỉ được triển khai thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Quy định như vậy, tôi cho là không phù hợp, bởi hiện tại nhiều khu di tích lịch sử văn hóa đang bị các hộ dân lấn, chiếm và nếu chỉ cần sự ý kiến đồng ý bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì được xây dựng sẽ ngày càng có nhiều khu di tích bị lấn, chiếm.

Tôi đề nghị quy định những nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực bảo vệ I, thì cấm không được xây dựng mới, chỉ được cải tạo chống xuống cấp và chính quyền địa phương các cấp có phải có phương án di dời để trả lại đất cho di tích.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Vạn Xuân

Các bài viết khác