XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ TRẺ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRONG TÌNH HÌNH MỚI

12/07/2024

Đánh giá cao vai trò, tiềm năng trí tuệ của các cán bộ trẻ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong thời gian tới, cần chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TĂNG QUYỀN CHỦ ĐỘNG CHO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: CỤ THỂ HÓA CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ

PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM TẠI KỲ HỌP THỨ 6 GÓP PHẦN HƯỚNG ĐẾN NỀN HÀNH CHÍNH CÔNG MINH BẠCH, HIỆU QUẢ, PHỤC VỤ TỐT CHO NHÂN DÂN

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, tiềm năng trí tuệ của cán bộ trẻ

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, Đảng luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ, xem đây là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của cách mạng. Đó chính là một trong những tầm nhìn chiến lược quan trọng và là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát hiện, lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Đó là “khâu chọn giống” như là người làm vườn chọn giống cây, “nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Người nêu rõ: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”…

Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, tiềm năng trí tuệ của cán bộ trẻ. Người căn dặn các cấp ủy đảng phải chủ động trong quy hoạch, tạo nguồn, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Về xây dựng nguồn cán bộ trẻ, Người nhấn mạnh: “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ” và phải “đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ”.

Kể từ khi thành lập, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương trọng dụng cán bộ trẻ. Đặc biệt, trước mỗi kỳ đại hội, chủ trương ấy được Trung ương hết sức coi trọng, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp chuẩn bị sâu kỹ; lựa chọn cẩn trọng và sàng lọc kỹ lưỡng để giới thiệu, quy hoạch cán bộ trẻ có đủ bản lĩnh, phẩm chất, năng lực vào cấp ủy nhiệm kỳ mới, đảm bảo luôn có sự kế thừa, kế tiếp, đổi mới và phát triển trong công tác cán bộ. 

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần nói về việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã chỉ rõ: “Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp, nhất là ở cơ sở”. Định hướng đó có ý nghĩa to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ hiện nay. Đây còn là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ trẻ nói riêng.

Tính ở thời điểm tổ chức đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổng số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương là 4.959/34.444 cấp ủy viên cấp huyện, đạt tỷ lệ 14,40%; cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp tỉnh và tương đương là 179/2.669 cấp ủy viên cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 6,71%.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Quốc hội là 48/499, đạt tỷ lệ 9,62%; tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 510/3.721, đạt tỷ lệ 13,71%; tỷ lệ này ở cấp huyện là 5.010/22.459 chiếm 22,22%; cấp xã là 88.190/239.752, đạt tỷ lệ 36,78%.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Đảng ta đã tập trung đổi mới lãnh đạo về công tác cán bộ, trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm không chỉ góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị mà còn chuyển tiếp vững vàng các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở.

Đội ngũ cán bộ trẻ với ưu điểm ham học hỏi, giàu nhiệt huyết, nhiều khát vọng, hoài bão và chí tiến thủ… đã mang lại hiệu ứng tích cực rõ nét, mang lại luồng sinh khí mới trong hệ thống chính trị các cấp. Các cán bộ lãnh đạo trẻ, năng động đang phát huy tài năng và trí tuệ của mình trên các cương vị được giao. PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá, qua thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ trẻ được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đã thể hiện được bản lĩnh, sáng tạo, thích ứng nhanh với cái mới, có sức khỏe, dám nghĩ dám làm. Trong những năm gần đây, tại nhiều địa phương và bộ, ngành đã xuất hiện những cán bộ lãnh đạo tuổi còn rất trẻ nhưng quyết đoán, dám đột phá và giải quyết hiệu quả những khâu khó, điểm nghẽn của địa phương mình, ngành mình.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, xét trên nhiều khía cạnh, công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo trẻ ở nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp để đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Có thể thấy thực tế tại các địa phương, nhiều nơi chưa mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ, còn biểu hiện thiếu tin tưởng; hoặc có quy hoạch nhưng bố trí sử dụng vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chưa nhiều. Tỷ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít; năng lực cán bộ trẻ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ chưa được quan tâm chú trọng dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra…

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa- ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa- ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, để khắc phục tình trạng tỷ lệ cán bộ trẻ ở các cấp chưa đều, chưa vững chắc, cần làm tốt công tác quy hoạch ở các cấp, phải đảm bảo tính đồng đều, chắc chắn, không rời rạc và có định hướng tỷ lệ lứa tuổi, giới tính. Ngoài ra, muốn có nhân tài thì phải chú trọng tới giáo dục, đào tạo. “Bước tiếp theo sau quy hoạch là đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ chuyên môn hóa. Đặc biệt chú trọng đào tạo về chính trị, theo vị trí chức danh đảm nhiệm. Công tác đào tạo cần phù hợp, đi liền với quy hoạch, bố trí cán bộ, thiếu cái gì đào tạo cái đó.”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa nói.

Lấy ví dụ ở Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, đặc thù các chi bộ đảng ở Hà Nội thường có nhiều đồng chí cán bộ cấp cao, cán bộ lão thành nghỉ hưu về sinh hoạt, vì vậy người bí thư chi bộ cần biết cầu thị, khiêm tốn, thật thà, biết lắng nghe, tranh thủ ý kiến của thế hệ đi trước để điều chỉnh bản thân, lãnh đạo, điều hành công việc. Tuyệt đối không vì mình là cán bộ trẻ được tín nhiệm, có năng lực, được đào tạo bài bản rồi từ đó có tác phong buông lỏng, xa rời hoặc không chịu học hỏi các đồng chí lớn tuổi có kinh nghiệm.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh thêm, khiêm tốn đối với cán bộ trẻ ở đây là biết kính trên nhường dưới, cư xử đúng mực, để học hỏi, vươn lên, điều này trái ngược với rụt rè, e ngại, thụ động. Là cán bộ cơ sở, khiêm tốn để gần dân, am hiểu phong tục tập quán, văn hóa, lễ nghi, biết đến từng ngõ ngách, con phố, từng đường làng, ngõ xóm…

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc cần thiết là phải có kế hoach bồi dưỡng, đào tạo và hoàn thiện kiến thức chuyên môn, lý luận chính trị cũng như kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc trong môi trường cấp ủy, chính quyền cho các cán bộ trẻ. Ngoài ra, các cấp ủy đảng cũng cần xác định mục tiêu trong công tác cán bộ và lập kế hoạch định hướng phát triển cá nhân cho các cán bộ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Cần chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

“Cán bộ trẻ giống như những mầm cây, muốn cây phát triển tốt thì rất cần có môi trường, điều kiện thuận lợi, được chăm sóc, vun trồng thường xuyên. Bên cạnh đó, nhân tài cũng phải có “đất dụng võ”, thì tài năng mới được phát huy, nếu không thì cũng sớm bị mai một. Nếu như người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương dành nhiều tâm huyết, chăm lo bồi dưỡng cán bộ trẻ, trọng dụng nhân tài thì tất yếu nơi đó, cán bộ trẻ được tạo môi trường thuận lợi để phát triển, có điều kiện tốt để phát huy năng lực, sở trường để đóng góp cho ngành, lĩnh vực và địa phương mình phát triển mạnh mẽ hơn.

Do vậy, để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ trong hệ thống chính trị đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải luôn nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ; công tác phát hiện, quy hoạch, tạo nguồn các nhân tố trẻ triển vọng, có phẩm chất, trình độ, kiến thức là việc cần làm sớm và thường xuyên; cùng với đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tạo động lực, điều kiện thuận lợi để cán bộ trẻ phát huy năng lực, sở trường, động lực cống hiến… gắn với trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gắn với việc đảm bảo sự chuyển tiếp, liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Mọi phẩm chất, tài năng của cán bộ phải được phát hiện sớm và được bồi dưỡng công phu. Đây là trách nhiệm chính trị của các cấp uỷ, tổ chức đảng; của người đứng đầu các cơ quan và người làm công tác tổ chức”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, phát triển tư duy sáng tạo và khả năng quan sát cũng là một cách làm tốt. Tuổi trẻ phải đi liền với khả năng đưa ra ý tưởng mới, giải quyết các vấn đề phát sinh trong công tác và cuộc sống. Điều này đòi hỏi tinh thần đam mê, nhiệt huyết và tự hào với công việc của mình để tạo động lực cho bản thân và đồng nghiệp của các cán bộ trẻ. Bên cạnh đó là việc xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp và học tập từ các cán bộ kinh nghiệm. Cán bộ trẻ cần biết tận dụng kinh nghiệm, kiến thức từ các đồng nghiệp, cán bộ đi trước có kinh nghiệm để phát triển bản thân, như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, trẻ hóa cán bộ của Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nên cần thận trọng từng bước, từng khâu trong quy trình công tác cán bộ, để không lọt vào hàng ngũ những người không xứng đáng. Trẻ hóa về cơ cấu độ tuổi, số lượng là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là chất lượng để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

Thu Phương