HOÀN THIỆN CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ HOẠT TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ HƠN

16/07/2024

Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì soạn thảo dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 9 tới. Tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc về cách thức, hình thức tiếp xúc cử tri; tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử; trách nhiệm của các chủ thể tiếp xúc cử tri…

PHIÊN HỌP THỨ HAI BAN SOẠN THẢO NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC TỔ CHỨC TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Ban soạn thảo tổ chức Phiên họp cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội kế thừa quy định của Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13 – ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bổ sung thêm 7 nội dung mới.

Đóng góp hoàn thiện dự thảo nghị quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân cho rằng, việc sửa đổi nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhiều luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại, tố cáo… Do đó cần có báo cáo về kết quả rà soát văn bản pháp luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Cao Thị Xuân nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, do đó hoạt động tiếp xúc cử tri rất quan trọng, cần thống nhất quy trình tiếp xúc cử tri. Có thể không quy định cứng nhắc về thời gian tiếp xúc cử tri nhưng cần nêu rõ nguyên tắc về hoạt động tiếp xúc cử tri để tạo sự thống nhất, đồng bộ đối với 63 Đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội trong cả nước. Đại biểu cũng đề nghị quy định nguyên tắc về thành phần tham dự; có thể phối hợp hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội với tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nêu quan điểm, để đảm bảo chất lượng, tránh nhàm chán trong tiếp xúc cử tri, nhất là tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cần quy định cụ thể về cách thức tiếp xúc trong dự thảo nghị quyết. Đại biểu đề xuất cần có sự tương tác giữa đại biểu Quốc hội và cử tri. Ngoài thông báo kết quả kỳ họp (nội dung đã được các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền), đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thông tin, giải thích rõ hơn về một số nội dung cụ thể hoặc chính sách mới có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, như vậy sẽ làm cho hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ

Về tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử, có ý kiến cho rằng, hoạt động này không thường xuyên, không theo định kỳ, khó thực hiện do vướng về cơ chế, kinh phí, quy trình, thủ tục thực hiện; Việc tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử chủ yếu do đại biểu Quốc hội chuyên trách tiến hành. Vì vậy, nên quy định cụ thể trong dự thảo nghị quyết về kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đến tiếp xúc để phối hợp với Mặt trận Tổ quốc địa phương phối hợp thực hiện.

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thực tiễn tiếp xúc cử tri cho thấy, hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật, những vấn đề quan trọng của đất nước, các nội dung chủ yếu cử tri kiến nghị liên quan đến đời sống người dân địa phương. Do đó, để phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề nghị sửa quy định tại Điều 4 của dự thảo nghị quyết này theo hướng: kiến nghị của cử tri là ý kiến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng hoặc đề xuất, yêu cầu của cử tri về xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế-xã hội, những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương hoặc những vấn đề cử tri quan tâm.

Cho ý kiến về loại hình tiếp xúc cử tri, dự thảo nghị quyết quy định 9 loại hình tiếp xúc cử tri và bổ sung loại hình tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, theo đại biểu việc bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri này là cần thiết. Bởi từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đã có 7 kỳ họp bất thường để xem xét những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước. Do đó, công tác tiếp xúc cử tri, tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri tại kỳ họp bất thường cũng cần được bổ sung để tạo cơ sở pháp lý trong việc triển khai đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết quy định về hình thức tiếp xúc cử tri khác theo quy định của pháp luật, đại biểu đề nghị làm rõ “loại hình tiếp xúc cử tri khác” là như thế nào?

Bổ sung chủ thể giám sát việc tổng kết kiến nghị của cử tri

Về trách nhiệm giám sát việc tổng kết kiến nghị của cử tri tại Điều 12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo nghị quyết, nhưng theo đại biểu, nếu xét về chủ thể có trách nhiệm giám sát đối với việc giải quyết kiến nghị của cử tri không chỉ là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, cần bổ sung chủ thể khác như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Cũng quan tâm đến trách nhiệm của Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với quy định: Đoàn đại biểu Quốc hội phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc xúc tri tại các đơn vị bầu cử ở địa phương đảm bảo tính đại diện, bao trùm, hiệu quả trong việc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, cần xem xét quy định Đoàn đại biểu Quốc hội xây dựng chương trình, bởi trong kế hoạch tiếp xúc cử tri của Đoàn cũng đã nêu cụ thể về thời gian, địa điểm, thành phần đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Về trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp tại Điều 15 của dự thảo nghị quyết, trong đó khoản 2 quy định: Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân cấp dưới phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân cùng cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc có cần thiết quy định như dự thảo, bởi thời gian qua, công tác phối hợp giữa các đơn vị trong chuẩn bị tiếp xúc cử tri ở các địa phương, đơn vị rất hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn

Dự thảo nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của nhiều tổ chức, cơ quan liên quan đến hoạt động tiếp xúc cử tri, trong đó có Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Lê Anh Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung chủ thể là Tổng Thư ký Quốc hội có trách nhiệm trong cung cấp thông tin cho Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Bởi ngoài tính chủ động của đại biểu Quốc hội trong việc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, cần có kênh thông tin quan trọng từ Tổng Thư ký Quốc hội cung cấp về dự kiến nội dung, chương trình đối với Kỳ họp Quốc hội, các nội dung, chính sách mở đã được quyết định tại kỳ họp, các vấn đề phức tạp cần có sự thống nhất trong trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri. Vấn đề này đã được thực hiện trong thời gian qua, nhưng cần quy định vào nghị quyết.

Lan Hương