Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại phiên họp
Tham gia thảo luận về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định cần phải xác định hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp. Theo đại biểu, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần tập trung vào 3 giải pháp chính:
Thứ nhất, cần tích cực triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Chính phủ đã có những gói hỗ trợ ngay khi dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên hiệu quả trên thực tế lại không được như kỳ vọng. Một nghịch lý là có đến 78,3 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường lại, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ. Do vậy, điều cần làm là nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, nới lỏng các điều kiện căn chỉnh thời gian cho phù hợp và triển khai các gói hỗ trợ lần hai không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh mà còn phải nhanh để phát huy hiệu quả, trong khi hàng triệu người thất nghiệp thì gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện được vay. Do vậy, nếu không sớm khắc phục thì các chính sách hỗ trợ rất nhân văn và kịp thời của Chính phủ sẽ không thể phát huy và ứng dụng. Lựa chọn đúng và trúng các đối tượng để tập trung hỗ trợ, cần phân loại nhóm ngành hàng để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp, tránh cào bằng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Đây là thời điểm cần vực dậy các doanh nghiệp chứ vai trò chính trong liên kết các doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có khả năng cung cấp lượng hàng hóa lớn và tạo việc làm cho chuỗi cung ứng liên quan. Thiếu doanh nghiệp đầu tàu khỏe mạnh sẽ tạo động lực kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi đứng lên.
Đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần giảm các chi phí, giãn tối đa các khoản nghĩa vụ tập trung vào chính sách, giúp các doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền, kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập, miễn giảm phí công đoàn đến hết năm 2021, giảm thuế VAT xuống 5% nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi phát triển, giảm tải áp lực cho các gói hỗ trợ, bởi doanh nghiệp đang phải đối mặt với cả 2 vấn đề lớn bởi nứt gãy chuỗi cung ứng và dòng tiền để duy trì hoạt động.
Thứ hai, cần gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách. Cần phải đột phá điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí. Đây cũng là điều kiện tiên quyết góp phần thu hút vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập cơ sở sản xuất sau đại dịch, mà Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm sáng khi nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
Thứ ba, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạnh dạn hỗ trợ những người lao động học các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp và cấu trúc lại hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bám sát nhu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp giúp người lao động còn được cần câu, có cơ hội việc làm phù hợp hơn và doanh nghiệp cũng được nguồn nhân lực có năng suất cao hơn.
Cần xác định cải tiến công nghệ là động lực cốt lõi để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hiện đại nhằm thực hiện hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành nước công nghiệp thực sự trong 10 đến 15 năm tới. Theo đại biểu, đây cũng là lộ trình dài, ví như cuộc chạy tiếp sức và đòi hỏi mỗi chặng đường phải lựa chọn một mục tiêu để phát triển phù hợp./.