Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên họp
Tham gia thảo luận tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng môi trường và dân sinh của các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Đại biểu cho biết, trước một chuỗi sự việc xảy ra với các hồ thủy điện vừa và nhỏ, đặc biệt trong mùa mưa tháng 10/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân một số tỉnh loại bỏ 474 dự án thủy điện và 213 điểm có khả năng tác động xấu tới môi trường và xã hội mà không mang lại lợi ích về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và sản xuất điện. Phần lớn các dự án bị loại bỏ này nằm ở các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển. Việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng. Ví dụ, việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. Tháng 1/2017 đến tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ ríchte Trong đó 63 trận được ghi nhận tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành. Chuỗi trận động đất xảy ra gần thủy điện Sông Tranh 2 đã gây nứt vỡ cho nhiều công trình và tòa nhà xung quanh khu vực gây bất an cho người dân.
Ngoài ra, việc ồ ạt phát triển thủy điện vừa và nhỏ ảnh hưởng đến nguồn nước hạ lưu và sự vận chuyển của trầm tích thay đổi dòng chảy, v.v.. Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Ý kiến khác cho rằng, đây là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ và được nhiều doanh nghiệp đầu tư, vì suất đầu tư vừa phải thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận thì rất lớn.
Theo đại biểu, khung pháp lý về cấp phép thủy điện nhỏ cần được sửa đổi, bổ sung, phải xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng.
Cùng với việc phát triển thủy lợi nhỏ thì vấn đề sạt lở đất không chỉ xảy ra ở miền Trung, Tây Nguyên, khi diện tích rừng có thể xảy ra ở bất cứ địa phương nào, nhất là ở miền núi Đông Bắc và Tây Bắc khi mà diện tích rừng che phủ ngày càng bị thu hẹp. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách, do đó, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Quốc hội cần xem xét, ban hành một nghị quyết để cho Chính phủ có một dự án sớm di dời người dân ra khỏi vụ khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo cuộc sống cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân để người dân có một nơi sống an toàn, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất./.