TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023
Đại biểu Trần Văn Tuấn nhất trí cao với Báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Năm 2022, chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, chồng chất khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đạt được kết quả khá toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 vẫn còn những khó khăn như trong Báo cáo của Chính phủ. Trong đó sự bùng phát của đại dịch Covid-19 thời gian qua đã bộc lộ một vấn đề lớn, rất cần được quan tâm như nhà ở cho công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Để giải quyết tình này, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã và đang rất quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Khó khăn, vướng mắc về chính sách nhà ở cho công nhân chưa được tháo gỡ.
Trong đó, ngày 12/6/2022, tại điểm cầu chính Tp. Bắc Giang Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại trực tuyến với 4.500 công nhân tham dự tại 63 điểm cầu trên toàn quốc. Ngày 01/8/2022 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người có thu nhập thấp. Qua đó, nhiều vấn đề đã được trao đổi, thảo luận, song đến nay vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân chưa được tháo gỡ.
Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhà ở cho công nhân. Công nhân là lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các đối tượng khác. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này hoặc chỉ có những quy định nằm rải rác trong một số văn bản liên quan và những bất cập. Cụ thể, tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 xác định rõ người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, đồng thời tại điểm a khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở, khoản 1 Điều 22 và điểm a khoản 3 Điều 22 của Nghị định số 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 49 năm 2021 của Chính phủ ngày 01/4/2021 quy định một trong những điều kiện được hưởng chính sách này chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống và học tập.
Quy định này không hợp lý vì thực tế nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thuộc đối tượng gia đình, hộ nghèo thu nhập thấp mặc dù đã có nhà ở và đất ở quê hương cùng bố mẹ, anh, chị, em. Do điều kiện làm việc hoặc chỗ ở chật chội nên rất cần được xem xét giải quyết hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Đó là một trong những vướng mắc, bất cập, cần có sự tách bạch và chế định riêng về nhà ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị đạo tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ số 242 tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, công nhân, người thu nhập thấp ngày 01/8/2022 đã nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 cần đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Để thực hiện mục tiêu này cần có nguồn lực rất lớn và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà các hộ gia đình, cá nhân có vai trò rất quan trọng. Từ thực tiễn tỉnh Bắc Giang cho thấy, hiện nay địa phương có khoảng 5.100 công trình nhà ở do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng đủ tiêu chuẩn và đáp ứng cho khoảng 66.000 công nhân thuê. Dự kiến tỉnh Băc Giang đến năm 2025 số dự án xây dựng nhà ở đáp ứng được một nửa số công nhân có nhu cầu thì Bắc Giang tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở để đáp ứng cho công nhân thuê với số lượng khoảng 180.000 lao động. Qua đó cho thấy, vị trí, vai trò của các hộ gia đình, cá nhân trong đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân là rất quan trọng. Do đó, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật nhà ở nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Chú trọng triển khai cơ chế các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Qua đó, nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực về tiền, về đất đai, thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và đặc biệt các hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Đồng thời, qua việc thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê còn hướng tới mục tiêu giúp các hộ gia đình, cá nhân thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển công nghiệp đô thị có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, có sinh kế lâu dài bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống./.