TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Tên gọi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) vẫn đảm bảo được hội nhập và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.
Theo Tờ trình của Chính phủ tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác sẽ bao quát được toàn bộ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu quan điểm, phạm vi điều chỉnh của luật trong trường hợp có thay đổi hoặc là mở rộng thì nên quy định trong phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật thì sẽ phù hợp hơn mà không nhất thiết phải mang tên gọi như Chính phủ trình.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý vào Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Mặc dù trình tên luật là Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác, tuy nhiên đối tượng điều chỉnh của luật chủ yếu xoay quanh các đối tượng như tổ hợp tác, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, Liên đoàn Hợp tác xã, như vậy Liên hiệp Hợp tác xã và Liên đoàn Hợp tác xã đều là một loại hình phái sinh từ hợp tác xã, vì vậy theo đại biểu giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã như tên gọi gốc là phù hợp.
Hơn nữa, trên thế giới lịch sử phát triển hợp tác xã 200 năm qua đến nay vẫn được Liên hiệp quốc khẳng định hợp tác xã là một trào lưu có tổ chức lớn nhất của xã hội văn minh. Hợp tác xã là mô hình tự trợ giúp và đoàn kết, đóng góp của hợp tác xã rất đặc biệt và vô giá. Tên gọi hợp tác xã cũng được nhiều nước trên thế giới sử dụng phổ biến, trong đó nổi bật như Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, việc giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã vẫn đảm bảo được hội nhập và phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế.
Làm rõ trường hợp Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác.
Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, tại Điều 5 về bảo đảm của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, theo đó khoản 1 của điều này quy định: công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức kinh tế hợp tác. Trường hợp thật cần thiết Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Việc thanh toán, bồi thường phải đảm bảo lợi ích của tổ chức kinh tế hợp tác và không phân biệt đối xử với các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác.
Về quy định này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về trường hợp thật cần thiết để nhà nước thực hiện trưng mua, trưng dụng bao gồm những trường hợp cụ thể nào. Vì trong Điều 5 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc 1 trong 4 trường hợp quy định trong Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Do đó, để tránh trường hợp hiểu không đúng về trường hợp thật cần thiết, Ban soạn thảo cần phải quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản của các tổ chức kinh tế hợp tác và đảm bảo các trường hợp được quy định không trái với quy định tại Điều 5 của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008.
Xem xét kỹ hơn về vai trò, vị trí pháp lý của Liên minh Hợp tác xã.
Về tổ chức Liên minh Hợp tác xã quy định tại Điều 106 của dự thảo luật quy định tổ chức đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó hệ thống Liên minh Hợp tác xã là nòng cốt được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội nhập và pháp luật có liên quan, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Về quy định này của dự thảo luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy kiến nghị cần phải xem xét kỹ hơn về vai trò, vị trí pháp lý của Liên minh Hợp tác xã. Bởi nếu xem Liên minh Hợp tác xã là tổ chức hội có tính chất đặc thù như trong Nghị định số 45 quy định về hoạt động của hội và quản lý hội như thời gian qua thì chưa phát huy được vai trò, vị trí của Liên minh Hợp tác xã. Trong khi Liên minh Hợp tác xã là tổ chức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế tập thể mà Nghị quyết 20 đã khẳng định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức kinh tế tập thể giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với các thành phần kinh tế của tập thể…
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải đặt Liên minh Hợp tác xã vào đúng vai trò của nó để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tôi đề nghị quy định rõ hơn nữa về các nguồn lực, điều kiện, nhiệm vụ hoạt động của Liên minh Hợp tác xã với vai trò là nòng cốt trong các tổ chức đại diện trong giai đoạn mới để phù hợp với những vai trò đã được xác định./.