Đồng tình và đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ và các cơ quan tư pháp năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, số vụ cưỡng dâm trẻ em tăng 400%; số đối tượng vi phạm tăng 450%; có 71,9% vụ hiếp dâm mà nạn nhân là trẻ em; số vụ dâm ô với trẻ em tăng.
Thực tế trên cho thấy tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có chiều hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra những tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý rất khó khắc phục đối với nạn nhân.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân chính của các vụ việc, qua nghiên cứu thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị 3 giải pháp căn cơ hơn để ngăn ngừa và nghiêm trị loại tội phạm này.
Một là, xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại. Riêng đối với các giải pháp hoàn thiện thể chế liên quan đến quyền trẻ em đã được Quốc hội quyết nghị và Ủy ban Xã hội kiến nghị cần đẩy nhanh tiến độ như xây dựng ban hành luật về tư pháp đối với người chưa thành niên, luật về công tác xã hội, một số chính sách trợ giúp trẻ em theo kiến nghị của Ủy ban Xã hội tại kỳ họp thứ 3 đến nay thực hiện như thế nào để đại biểu Quốc hội biết và giám sát.
Đồng thời, căn cứ Điều 80 Luật Trẻ em năm 2016, hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện quyền trẻ em, tuy nhiên tại kỳ họp này báo cáo chưa được gửi đến Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Chính phủ bổ sung, trong đó cần đánh giá rõ nhiệm vụ, tỷ lệ thụ lý giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em theo Nghị quyết của Quốc hội để tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài, nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời và hiệu quả hơn. Đại biểu cũng thống nhất với mốc thời gian trình báo cáo chuyên đề cho Quốc hội theo gợi ý của Chủ tọa phiên họp.
Hai là, từ những khó khăn trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em và công tác đấu tranh, phòng ngừa đối với các loại tội phạm này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Bộ Công an, ngành tư pháp ở trung ương và cấp tỉnh hàng năm cần sớm có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án thuộc nhóm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Cần tổ chức họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng để kịp thời trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, đồng thời phải phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Ngành tư pháp cần xây dựng quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.
Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn lực trong tuyên truyền và thực thi pháp luật về trẻ em, có kế hoạch phân công giám sát tổ chức, cá nhân tại các địa bàn có nguy cơ xâm hại trẻ em cao để có những giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất.
Ba là, tại Nghị quyết số 121/2020, Quốc hội đã nhấn mạnh Ủy ban nhân dân các cấp phải ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao cho các em. Bên cạnh đó, tại thông báo Kết luận số 182 ngày 14/5/2018 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận đồng ý không sáp nhập cung thiếu nhi, nhà thiếu nhi với các đơn vị sự nghiệp có chức năng không tương đồng. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển hệ thống nhà thiếu nhi trên toàn quốc gặp rất nhiều khó khăn, giảm rất mạnh về số lượng từ năm 2017 đến nay.
“Cả nước giảm 87 nhà thiếu nhi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp tỉnh từ 46 đơn vị còn 24 đơn vị, giảm 48%; cấp huyện từ 163 đơn vị còn 98 đơn vị, giảm 40%. Việc sáp nhập, chuyển đổi nhà thiếu nhi một cách cơ học mà chưa xét đến nhu cầu, quyền lợi chính đáng của các em, dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng không gian vui chơi, giải trí lành mạnh, học tập ngoài nhà trường cho các em, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chăm lo, bảo vệ và phát triển toàn diện trẻ em”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Với phương châm "dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em", giai đoạn trước đây, trong điều kiện đất nước và địa phương còn nhiều khó khăn, hệ thống nhà thiếu nhi các cấp được quan tâm, đầu tư phát triển mạnh mẽ và thật sự là nơi ươm mầm, giáo dục và phát triển tài năng, là kỷ niệm cuộc đời quý giá của các em. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều địa phương nhà thiếu nhi lại không còn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị Quốc hội đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp, đề nghị Chính phủ rà soát quy định hiện hành và tình hình thực hiện sắp xếp nhà thiếu nhi các cấp trên toàn quốc để có giải pháp, cơ chế đặc thù giải quyết hiệu quả vấn đề này, đảm bảo quyền lợi chính đáng của trẻ em đã được Hiến pháp và pháp luật quy định./.