Sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với kết quả: thông qua 06 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 07 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chất lượng, hiệu quả trên cả 3 chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khẳng định, tại Kỳ họp thứ 4, các đại biểu Quốc hội rất tích cực, chủ động trong các phiên họp, đặc biệt là Quốc hội rút ngắn thời gian xuống còn 21 cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực cũng như mong muốn một kỳ họp ngắn nhất nhưng chất lượng, hiệu quả. Trong các phiên thảo luận ở tổ cũng như thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội rất tích cực bấm nút đăng ký phát biểu nhưng do quy định về thời gian nên chưa được phát biểu. Điều này cho thấy sự chủ động, sự chuẩn bị chu đáo của các đại biểu Quốc hội khi tham gia các phiên họp, cũng như sự nỗ lực của Chính phủ và của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nên Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đạt được chất lượng, hiệu quả, niềm tin của cử tri và Nhân dân ngày càng được tăng cường.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, các Nghị quyết, luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 đều nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của đa số đại biểu Quốc hội, đảm bảo chất lượng trong công tác xây dựng luật.
Bên cạnh đó, đối với các dự án luật Chính phủ cho ý kiến lần đầu cũng được đai biểu Quốc hội tích cực góp ý với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước. Ngoài phát huy trách nhiệm của đại biểu dân cử, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng cho rằng, các đại biểu Quốc hội cũng sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết, luật đã được Quốc hội ban hành và triển khai trong thực tế.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.
Đánh giá cao hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, nhất là hoạt động chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khẳng định trách nhiệm của các đại biểu, trách nhiệm trước tâm tư, nguyện vọng của cử tri đã được đại biểu phản ánh rõ nét, thể hiện ở các nội dung chất vấn hết sức cụ thể và thiết thực. Số lượng đại biểu đăng ký chất vấn nhiều cho thấy ý chí, quyết tâm và trách nhiệm cao của đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Xuân Cừ, nếu chỉ dừng lại ở chất vấn mà không tiến hành giám sát tại kỳ họp tiếp theo để đánh giá lại, thì hoạt động chất vấn sẽ không thực sự hiệu quả. Vì vậy, đại biểu cho rằng, tất cả nội dung được đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành thời gian thích hợp tại Kỳ họp thứ 5 để xem xét lại các nội dung chất vấn để thấy được vấn đề nào đã được giải quyết, vấn đề bào chưa được xử lý để tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, đại biểu Trương Xuân Cừ nêu quan điểm sau kỳ chất vấn phải có giám sát và sơ kết, đánh giá ngay tại kỳ họp tiếp theo.
Đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội.
Với vai trò đại diện cho tiếng nói của cử tri, sau Kỳ họp thứ 4, đại biểu Trương Xuân Cừ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trong đó, hiện vẫn còn khoảng 5% (500 nghìn người cao tuổi) chưa có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không được giải quyết ngay thì đời sống của 500 nghìn người cực kỳ khó khăn, bởi 95% cao tuổi có bệnh nền.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Hiện nay đã giải quyết chế độ bảo trợ xã hội đối với những người đủ 75 tuổi trở lên ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các vùng khó khăn. Tuy nhiên, theo đại biểu đối với người từ 75 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo thì đều khó khăn. Mặc dù số lượng này ít nhưng tôi mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho tất cả người đủ 75 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc.
Đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận.
Đại biểu Phan Xuân Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhận định, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, tình hình kinh tế - xã hội đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng tình hình chính trị ổn định, kinh tế - xã hội đạt được kết quả ấn tượng, an ninh quốc phòng được đảm bảo... Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, kịp thời ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện rất rõ vai trò của mình với tâm thế, tinh thần và trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền đưa ra chủ trương, chính sách thực sự phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh đầy biến động.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cũng có nhiều dự án luật khó, phức tạp được đưa ra thảo luận, điển hình như dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, đại biểu đã phản ánh những vướng mắc, bất cập, ý kiến của cử tri và Nhân dân và bức xúc trong xã hội liên quan đến đất đai để Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện.
Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung quan trọng khác được thảo luận như dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện và nhiều luật khác liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, được đại biểu tích cực góp ý xây dựng luật và chất vấn đại diện cơ quan soạn thảo để tìm ra những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Đáng chú ý, theo chương trình ban đầu, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua theo quy trình 2 kỳ họp. Tuy nhiên, trên cơ sở phát biểu của đại biểu Quốc hội trên hội trường về dự thảo Luật cũng như báo cáo của Chính phủ, của Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo luật chưa hoàn chỉnh. Đại biểu cho rằng, việc Quốc hội chưa thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là chuẩn xác để lấy thêm ý kiến góp ý của chuyên gia, người dân và các đối tượng chịu tác động để luật sau khi có hiệu lực đi vào sống và tổ chức thực hiện tốt hơn.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ cho thấy Quốc hội ngày càng trách nhiệm, ngày càng chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu, tránh tình trạng luật vừa ban phải sửa đổi./.