Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng căn cứ vào Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia được thực hiện theo đúng quy trình của Luật Quy hoạch, đã huy động sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng nêu rõ tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. Tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...
Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Theo đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đây là lần đầu tiên thực hiện việc lập Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch năm 2017, nên không khỏi bỡ ngỡ vì chưa có tiền lệ và chưa có kinh nghiệm. Cho ý kiến vào nội dung cụ thể tại Báo cáo tổng hợp quy hoạch, đại biểu cho rằng, việc phân tích, đánh giá các nội dung quy định tại điểm a, khoản 2 của Luật Quy hoạch vẫn còn hạn chế như: còn 1 số nội dung chưa được đề cập hoặc 1 số yếu tố đánh giá còn nặng về định tính.
Bên cạnh đó, một số nội dung chưa có đánh giá về phân bố không gian như hạ tầng xã hội: về mật độ, quy mô theo vùng kinh tế - xã hội hoặc theo vùng kinh tế trọng điểm để từ đó thấy được những hạn chế bất cập. Một số đánh giá chưa thật sát với thực tiễn, cần đánh giá thêm về xu thế phát triển trong nước và quốc tế trong giai đoạn hiện nay và các năm tiếp theo. Do vậy, về phân tích, đánh giá hiện trạng cần nghiên cứu và hoàn thiện bảo đảm khách quan.
Cũng theo đại biểu, đối với kịch bản phát triển. Theo báo cáo đề xuất 2 kịch bản; kịch bản 1 là kịch bản thấp và kịch bản 2 là kịch bản phấn đấu. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về mối quan hệ giữa quy hoạch tổng thể quốc gia với từng kịch bản và chưa chỉ ra được 1 số định hướng quy hoạch gắn với từng kịch bản để so sánh, đánh giá và lựa chọn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần cập nhật bổ sung nội dung về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Góp ý vào nội dung này, đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, để ban hành quy hoạch tổng thể quốc gia cần phải xem xét thật kỹ lưỡng, thận trọng với tầm nhìn tổng thể, toàn diện và phải có kế hoạch, phương pháp, giải pháp, kịch bản thật cụ thể, thống nhất, đồng bộ để đạt được mục tiêu quy hoạch.
Đại biểu cho rằng, căn cứ xây dựng quy hoạch về cơ sở chính trị và cơ sở pháp lý đã rất đầy đủ nhưng không thấy nêu về cơ sở khoa học và cơ sở chuyên môn; đánh giá về tác động thực tiễn cũng rất ít định lượng; chưa gắn sát với mục tiêu và giải pháp;… “Chưa thấy bật lên rõ ràng, một trục trọng tâm mang tính chất quan trọng, xuyên suốt để các quy hoạch khác xoay quanh trục này nhằm đạt mục tiêu hiệu quả tổng thể,..”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, nếu đứng trên góc độ tổng thể cần phải xác lập một số ưu tiên, một số lĩnh vực then chốt quan trọng phải chấp nhận điều tiết giảm bớt một số lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, cần xác định định hướng về không gian phát triển kinh tế - xã hội gắn với định hướng sử dụng đất quốc gia, trung tâm làm trục cho các lĩnh vực khác.
Liên quan đến nội dung về giải pháp, đại biểu cho rằng, chủ yếu mang tính chất nguyên tắc tài chính. Mặc dù kế hoạch tổng thể quốc gia không thể đòi hỏi quá cụ thể, nhưng nếu quá chung chùng thì sẽ khó trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Tán thành sự cần thiết sớm xem xét, thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, quy hoạch quốc gia sẽ là cơ sở, căn cứ pháp lý để cho tất cả các quy hoạch tiếp theo để triển khai thực hiện. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, không có quy hoạch quốc gia thì rất khó khăn cho quy hoạch vùng, quy hoạch cấp tỉnh. Hiện nay, các tỉnh đang rất chờ đợi việc thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia để thực hiện quy hoạch của tỉnh.
Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước thực hiện việc quy hoạch tổng thể quốc gia, cho nên trong quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp khó khăn, vướng mắc và cần phải cập nhật, bổ sung. Chính vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết cần có độ mở, tức là hàng năm hoặc từ hai đến ba năm phải tổ chức sơ kết, đánh giá lại việc thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia để từ đó, Quốc hội cho phép điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần lưu ý đến một số nội dung: về xây dựng và củng cố mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công quốc gia; bổ sung thêm việc quy hoạch và xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão ở viện dưỡng lão; bổ sung quy hoạch mạng lưới nhà ở xã hội.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất cần xem xét điều chỉnh lại tiến độ triển khai hệ thống giao thông theo hướng nhanh và sớm hơn. Cụ thể, bổ sung tới năm 2030 phải hoàn thành toàn bộ các tuyến cao tốc kết nối vùng thay cho dự kiến như hiện nay trong dự thảo là cơ bản hoàn thành. Đồng thời, cần xác định tiến độ cụ thể cho việc hoàn thành sớm tuyến đường cao tốc Bắc – Nam;…./.