QUY ĐỊNH RÕ TIÊU CHÍ ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI THỊ TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN THAM MƯU
ĐỀ XUẤT QUY ĐỊNH KHỐNG CHẾ VỀ CHỨC NĂNG SỬ DỤNG ĐẤT ĐA MỤC ĐÍCH
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án trọng tâm trong nhiệm vụ lập pháp của toàn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Đây là công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của Nhân dân.
Theo chương trình Kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Để dự án Luật thực sự chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thảo luận tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tháng 4/2023 và sẽ tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là việc đảm bảo quyền lợi cho người dân khi địa phương, cơ quan Nhà nước thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, công trình xây dựng hay phục vụ cho các hoạt động, mục đích khác. Xung quanh nội dung này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Phóng viên: Thưa đại biểu, từ ngày 05-07/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Việc lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách đóng góp vào 07 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với Kỳ họp thứ 5 tới?
ĐBQH Nguyễn Hải Hưng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về 07 dự án Luật được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV tới, bao gồm Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự và Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là những dự án Luật quan trọng, tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội, đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được trưng cầu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân.
Hiện nay, cả hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc tham gia đóng góp ý kiến cho dự án Luật này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân trong việc sở hữu, thực hiện các quyền về đất đai. Do vậy, việc các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về 07 dự án Luật, trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đóng vai trò hết sức to lớn và quan trọng nhằm bảo đảm cho các dự án luật được trình ra Quốc hội trong kỳ họp thứ 5 tới được nghiên cứu kỹ lưỡng, để khi Luật được ban hành, đi vào cuộc sống luôn đảm bảo quyền lợi, lợi ích chính đáng của người dân cũng như bảo đảm cho các cơ quan quản lý Nhà nước có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quyền quản lý khi được giao nhiệm vụ.
Phóng viên: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi), người dân quan tâm đến việc đền bù khi phải dành đất ở của mình để thực hiện giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thực hiện các công trình xây dựng hay phục vụ nhiều mục đích của địa phương. Đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung này khi được đề cập trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)?
ĐBQH Nguyễn Hải Hưng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Đây là vấn đề mà người dân và địa phương hết sức quan tâm. Thông qua việc sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức sẽ có những quy định cụ thể, rõ ràng; không chồng chéo, không mâu thuẫn với các luật khác. Đối với người dân cũng rất quan tâm việc đền bù khi địa phương lấy đất để thực hiện các dự án. Trong Luật Đất đai ở những lần sửa đổi trước, quyền lợi của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng, chưa được đảm bảo khi địa phương, các cơ quan của Nhà nước tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Hưng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Vì vậy, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đều chú trọng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân khi cơ quan Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng với tiêu chí là chỗ ở của người dân tại nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Hiện nay, việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của người dân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo quan điểm của tôi, việc doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân để thực hiện các dự án cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Vì thế, trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải khẳng định quyền sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước nên Nhà nước cần phải đứng ra giải phóng mặt bằng để bảo đảm cho người dân có quyền lợi. Nếu làm việc gì cũng dựa vào dân, xin ý kiến của người dân và được người dân đồng thuận thì sẽ triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tốt hơn.
Phóng viên: Theo đại biểu, trong dự án Luật đất đai (sửa đổi) cần bổ sung, sửa đổi như thế nào để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phải giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài cũng như ổn định đời sống của người dân và trật tự xã hội?
ĐBQH Nguyễn Hải Hưng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Theo quan điểm của tôi, để giảm được những vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai của người dân thì cơ quan quản lý của Nhà nước phải đứng ra tiến hành các biện pháp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân. Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có một quy định cụ thể là Nhà nước phải làm gì và người dân được làm gì để hướng tới một mục tiêu chung là khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để phát triển kinh tế thì nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Tuy nhiên, rất khó có thể nhận được sự đồng thuận 100% của người dân trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế, chúng ta phải tính đến một phương án như trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập là chỉ bảo đảm có bao nhiêu phần trăm theo đa số. Còn lại là chúng ta phải có những biện pháp hành chính khác can thiệp vào thì mới đảm bảo được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. Điều này cũng tránh được như trong thời gian qua có tình trạng giải phóng mặt bằng để triển khai một dự án nào đó đã có tới 99% người dân đồng thuận với phương án đưa ra nhưng chỉ có 1% không tán thành thì rất khó để triển khai.
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 5 sắp tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Theo đại biểu, đến kỳ họp thứ 6 thì liệu Quốc hội có thể thông qua dự án Luật này được chưa hay còn tiếp tục lấy ý kiến của các Bộ ngành, đơn vị liên quan?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng: Theo tôi, với cách làm hiện nay và với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự vào cuộc hết sức khẩn trương, tích cực, chủ động của Chính phủ, chúng ta đã triển khai việc làm chưa có tiền lệ là lấy ý kiến rộng rãi của người dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Thông qua các tổ chức xã hội, đoàn thể khác, người dân đã đóng góp quan điểm, đề xuất hết sức tích cực vào dự án Luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp.
Để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, còn nhiều việc cần triển khai như Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải có một phiên họp chuyên đề. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng phải vào cuộc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đóng góp tại Kỳ họp thứ 5. Tôi tin rằng, nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm cao, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!