Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, đại biểu Mai Văn Hải- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Đại biểu Mai Văn Hải nêu rõ: Khoản 9 Điều 60 Nguyên tắc lập quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất có quy định: “Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời”. Quy định này như quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 giải thích một số điều của Luật Quy hoạch.
Đại biểu cho rằng, quy định nguyên tắc quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời như các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch 2017 cần phải xem xét lại. Bởi vì, các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch lần đầu tiên chúng ta lập quy hoạch tích hợp, có rất nhiều vướng mắc, khó khăn, chậm tiến độ, không thể lập theo đúng trình tự nên mới phải lập đồng thời.
Quy hoạch sử dụng đất chúng ta đã lập từ khi có Luật Đất đai năm 1987 và theo nguyên tắc từ tổng thể đến chi tiết; Quy hoạch cấp dưới phải căn cứ và phù hợp với quy hoạch cấp trên. Hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành cụ thể hoá quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Vì vậy, đại biểu Hải, đề nghị quy hoạch sử dụng đất phải được lập theo thứ tự từ quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Nếu lập đồng thời sẽ không có căn cứ để cụ thể hóa và phân bổ sử dụng các loại đất cấp trên giao, quy hoạch sẽ không đáp ứng được các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá QSD đất tại điểm b khoản 1 Điều 125 quy định: “Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối” thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng cần phải xem lại quy định này để phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng quỹ đất 5%.
Đại biểu cho biết, từ khi thực hiện giao đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình cá nhân theo Nghị quyết 64/1993/NĐ-CP, quỹ đất 5% đất nông nghiệp ở các xã quy mô khác nhau, nhưng đa số là quy mô nhỏ. Một số địa phương, các xã cho thuê đất để sản xuất nông nghiệp dưới hình thức giao, khoán, thu tiền thuê theo vụ, theo năm; nhiều nơi một số diện tích đất 5% bị bỏ hoang, việc đấu thầu đất 5% ở xã để cho thuê không thực hiện được, không ai tham gia. Bởi vì, quỹ đất công ích 5% quy mô ở nhiều xã diện tích nhỏ, nằm phân tán nhiều cánh đồng, giao thông nội đồng không thuận lợi, một bộ phận nông dân không tha thiết với sản xuất nông nghiệp, lao động chuyển sang làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; hơn nữa quỹ đất công ích sau 30 năm một phần đã chuyển sang mục đích khác nên còn lại không nhiều và phân tán nên quy định phải đấu thầu để cho thuê là không phù hợp.
Đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải- đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị việc áp dụng các phương pháp định giá đất phải trên cơ sở hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị đưa quỹ đất 5% vào hình thức giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để khuyến khích người dân tham gia sản xuất, tránh tình trạng đất bỏ hoang như hiện nay ở một số địa phương.
Đại biểu Mai Văn Hải cũng đề nghị bổ sung Điều 126 về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đối với phần diện tích đất do Nhà nước quản lý trong các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án thu hồi đất theo trường hợp Nhà nước thu hồi đất, có diện tích của Nhà nước trong khu vực thực hiện dự án và đất chưa giải phóng mặt bằng, không phải thực hiện thủ tục sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây là vấn đề có nhiều vướng mắc tại các địa phương cần xem xét quy định để tháo gỡ vấn đề này.
Về phương pháp định giá đất, dự thảo tại khoản 4 Điều 158 quy định 4 phương pháp, đại biểu Mai Văn Hải, cho rằng đây là nội dung rất quan trọng cần phải được cụ thể hoá hơn ngay trong luật về nội hàm cũng như điều kiện, trường hợp áp dụng một phương pháp hay nhiều phương pháp để có sự thống nhất, tránh tình trạng áp dụng phương pháp định giá đất một cách tùy tiện, làm thất thoát tiền sử dụng đất của Nhà nước.
Theo đại biểu, bên cạnh 4 phương pháp định giá đất như dự thảo, đề nghị cần nghiên cứu thêm phương pháp để định giá đất, trong trường hợp giá đất trong tương lai sẽ cao hơn giá đất thời điểm định giá, nếu như vùng đó có quy hoạch, chuẩn bị đầu tư kết cấu hạ tầng hay tương lai chuẩn bị có nhà đầu tư gần khu vực đó thì thường giá đất tăng cao, đây là thực tế ở nhiều nơi, đề nghị cần nghiên cứu để quy định phương pháp xác định.
Việc quy định việc áp dụng bằng một hoặc nhiều phương pháp định giá quy định tại khoản 5 điều này, cơ quan quyết định giá đất theo kết quả xác định giá đất có lợi cho ngân sách nhà nước, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét lại, vì nếu chỉ có lợi cho ngân sách nhà nước mà lợi ích người dân, doanh nghiệp chưa được quan tâm, thì giá đó đưa ra khó có thể được người dân chấp nhận. Vì vậy, đề nghị áp dụng các phương pháp định giá phải hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Về quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 161 về Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh, cấp huyện phải có tối thiểu 50% số thành viên là định giá viên hoặc thẩm định viên về giá, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị, cần phải xem xét lại quy định này, bởi vì hoạt động của Hội đồng thẩm định giá làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số; nếu quy định như trên thì Hội đồng thẩm định giá làm việc sẽ rất khó, phụ thuộc nhiều vào định giá viên, thẩm định viên, liệu kết quả thẩm định giá có khách quan hay không?
Trên thực tế cũng không có nhiều thẩm định viên, định giá viên để mời tham gia Hội đồng thẩm định giá các cấp, nếu quy định như vậy sẽ làm khó cho các địa phương, nhiều nơi sẽ không thành lập được Hội đồng thẩm định giá đất. Vì vậy, đề nghị trong Hội đồng thẩm định ngoài quy định thành phần của các cơ quan chức năng, thì chỉ mời thêm đại diện đơn vị tư vấn; mời có thành phần định giá viên hoặc thẩm định viên về giá tham dự./.