TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/9: PHIÊN THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ 3 – THÚC ĐẨY TÔN TRỌNG ĐA DẠNG VĂN HOÁ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã diễn ra trong không khí trang trọng, trọng thị, thể hiện tinh thần mến khách của đất nước, con người Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ - Phó Chủ tịch Thường trực Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam cho rằng, Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các đã góp phần khẳng định sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và chủ động của Việt Nam trong IPU - tổ chức liên nghị viện lớn nhất thế giới; đồng thời cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên, và các mối quan tâm chung của giới trẻ toàn cầu hiện nay; tạo ra cơ hội để tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nghị sĩ, thế hệ lãnh đạo trẻ của các quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của IPU, các nghị viện thành viên đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ bày tỏ đặc biệt ấn tượng với phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, khi thể hiện rất rõ thông điệp: Việt Nam, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động chung của thế giới, trong đó có hoạt động của Liên minh nghị viện thế giới (IPU). Đồng thời, đánh giá cao vai trò của diễn đàn nghị sĩ trẻ, thể hiện cam kết của các nghị sĩ trẻ toàn cầu luôn sát cánh cùng IPU trong thực hiện các cam kết chung, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Các nghị sĩ trẻ tham dự Hội nghị
Tại phiên khai mạc, trong phát biểu chào mừng gửi đến Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, là tuổi “dời non lấp biển”. Nhận thức được vai trò của giới trẻ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chăm lo, tạo điều kiện, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ tại nghị viện và các diễn đàn nghị viện, hỗ trợ các nghị sĩ trẻ phát huy tối đa vai trò của mình. Điều này cũng rất phù hợp với tôn chỉ, mục đích của IPU, đó là: Nâng cao hơn nữa sự tham gia của giới trẻ toàn cầu vào hoạt động chính trị. Thông qua hoạt động lần này, các nghị sĩ trẻ Việt Nam đã đóng góp rất sôi nổi, tích cực, có trách nhiệm vào từng phiên thảo luận của Hội nghị.
Tôi đánh giá rất cao Tuyên bố của Hội nghị lần này. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu có một tuyên bố chung. Trên cơ sở trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị hết sức thiết thực và phù hợp.
Riêng đối với văn hóa, 6 khuyến nghị đã bao quát được các mối quan tâm và những thảo luận tạo Hội nghị. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bằng những nhận thức chung sâu sắc và vị trí quan trọng của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, các quốc gia sẽ hình thành các khuôn khổ pháp lý và hành động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa. Trên cơ sở đó, văn hóa và đa dạng văn hóa sẽ được quan tâm hơn nữa, trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của các quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, qua 2 ngày làm việc liên tục, Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã thành công và để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về về đất nước, con người và Quốc hội Việt Nam. Đây là Hội nghị quốc tế đa phương có quy mô và sức ảnh hưởng lớn. Thành công này sẽ tiếp tục giúp tăng cường vị thế và uy tín của đất nước chúng ta trên trường quốc tế.
Bày tỏ ấn tượng với Phiên thảo luận chuyên đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ, đây là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam và đã nhận được sự quan tâm đặc biệt, thảo luận sôi nổi của các nghị sĩ trẻ.
Điều đầu tiên chúng ta thấy rõ là sự đồng tình, nhất trí, ủng hộ của nghị sĩ trẻ các nước đối với chủ đề phiên thảo luận do Việt Nam đề xuất. Điều đó cho thấy đóng góp của Việt Nam trong việc nhìn nhận ra một vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững từ văn hóa nói chung, đa dạng văn hóa nói riêng.
Các trao đổi, thảo luận trong phiên thảo luận thứ 3 rất sôi nổi, vượt quá cả thời gian vốn quy định chỉ trong một buổi sáng, cho thấy đa dạng văn hóa chính là một vấn đề quan trọng của tất cả các quốc gia. Mỗi quốc gia đều có những ví dụ riêng, tuy nhiên, điều đồng thuận cao nhất là tất cả đều đề cao, tôn trọng, thúc đẩy tính đa dạng văn hóa của nước mình như một hình thức để tạo dựng hòa bình, ổn định, phồn vinh và hạnh phúc ở trong nước cũng như trong các mối quan hệ quốc tế. Đúng như trong phát biểu đề dẫn của đoàn Việt Nam, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia.
Chủ tịch Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Dan Carden và Đại biểu Quốc hội Việt Nam Hà Ánh Phượng trình bày dự thảo Tuyên bố của Hội nghị
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá rất cao Tuyên bố của Hội nghị lần này. Đây là lần đầu tiên Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu có một tuyên bố chung. Trên cơ sở trao đổi, thảo luận, Hội nghị đã đưa ra nhiều khuyến nghị hết sức thiết thực và phù hợp.
Riêng đối với văn hóa, 6 khuyến nghị đã bao quát được các mối quan tâm và những thảo luận tạo Hội nghị. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, bằng những nhận thức chung sâu sắc và vị trí quan trọng của các nghị sĩ trẻ toàn cầu, các quốc gia sẽ hình thành các khuôn khổ pháp lý và hành động cụ thể hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa. Trên cơ sở đó, văn hóa và đa dạng văn hóa sẽ được quan tâm hơn nữa, trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của các quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc./.