NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI SÔI NỔI TRANH LUẬN TÌM GIẢI PHÁP THU HÚT NGUỒN LỰC CHO CÁC DỰ ÁN PPP
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 07/11: TIẾP TỤC PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng, không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và không dám trốn ra nước ngoài.
Thời gian qua, cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao vai trò của ngành công an trong việc điều tra phòng, chống tội phạm tham nhũng. Từ thực tế điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng, với phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước. Đây đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực.
Theo đó, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về đẩy mạnh công cuộc này, đại biểu Đỗ Huy Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị, Bộ Công an cho biết đâu là giải pháp để. tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới nhằm bảo đảm các tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chất vấn
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai gương mẫu đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên cả 3 phương diện.
Thứ nhất là công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao, coi đây là một điểm sáng trong hoạt động này. Thứ hai là Bộ đã tập trung vào chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch ngay trong nội bộ của lực lượng. Thứ ba là tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp, không gây khó khăn cho xã hội. Đặc biệt, với cải cách thủ tục hành chính của Đề án 06 đang được Chính phủ tập trung và Bộ Công an cũng thực hiện để góp phần giảm tình trạng tham nhũng vặt, đây cũng là vấn đề cử tri và Nhân dân rất bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng, với phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” vừa qua đã thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước, không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài. Từ những kết quả đạt được, việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, Bộ Công an đề nghị tập trung việc hoàn thiện thể chế, không để sơ hở để các đối tượng lợi dụng phạm tội, nhất là trên các lĩnh vực tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm phương tiện, phòng chống buôn lậu…Bên cạnh đó, chỉ đạo rà soát các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt quan hệ với các doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng thao túng nhiều cơ quan như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu…
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ 4 giải pháp. Một là, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Những vấn đề thấy rõ có sơ hở, thiếu sót thì phải khẩn trương khắc phục ngay. Hai là, chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan, như một số vụ án xảy ra vừa qua.
Ba là, việc thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm sao phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Do đó, vấn đề này tiếp tục sẽ phải làm gắn bó ngay từ đầu, khi phát hiện đã kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản. Bốn là, tiếp tục thực hiện mạnh chuyển đổi số, bảo đảm công khai, minh bạch trên các lĩnh vực để góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt là các giải pháp về xử lý tham nhũng vặt
Hoàn thiện hành lang pháp lý về Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Cũng liên quan đến lĩnh vực nội chính, đại biểu Đào Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nêu thực trạng thông tin cá nhân bị lộ lọt số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công ng dân. Số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ các giải pháp để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ chất vấn
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Ở nước ta, tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng, dẫn đến tội phạm có thể xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân.
Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng triệu vụ việc có liên quan đến xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, hiện nay, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cũng chưa cao, có người sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp. Hiện nay, việc xử lý mới chỉ áp dụng chủ yếu theo Điều 288 của Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính hoặc viễn thông để xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn
Để khẩn trương xử lý hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Trong đó, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý. Hiện Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 13 ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo lộ trình của Đề án 06 thì trong năm 2024 sẽ đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình họp Quốc hội để xin ý kiến. Đồng thời, đề xuất bổ sung, sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt , mua bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này.
Thứ hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thứ ba là, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp các thông tin liên quan nếu không được pháp luật quy định bắt buộc.
Thứ tư là, phải tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ lọt, mua bán, dự liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác.
Thứ năm là thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nhất là cái cơ sở dữ liệu công nghệ của dân cư và căn cước công dân, không để đối tượng tấn công, xâm nhập và lấy cắp dữ liệu. Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, hiện nay hệ thống bảo vệ trung tâm dữ liệu quốc gia rất chặt chẽ và từ khi thành lập, vận hành chưa phát hiện ra một vụ việc làm lộ, lọt nào.