ĐBQH SÙNG A LỀNH: CẦN RÀ SOÁT KỸ CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM VÀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ TÀI LIỆU LƯU TRỮ
Trước thực trạng công tác lưu trữ tại cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu rất khó tìm kiếm, có khi không tìm thấy, trong khi cấp xã đang lưu trữ những tài liệu liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu. Trao đổi với đại biểu Phạm Thị Kiều xung quanh vấn đề này khi góp ý Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông
Phóng viên: Thưa đại biểu, trước thực trạng công tác lưu trữ cấp xã còn nhiều bất cập, theo đại biểu Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần giải quyết bất cập này như thế nào?
ĐBQH Phạm Thị Kiều: Tôi cho rằng về quản lý tài liệu lưu trữ của các xã quy định tại khoản 5 Điều 9 của dự thảo luật quy định: "Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu, lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã". Quy định này của luật cơ bản kế thừa quy định của Luật Lưu trữ hiện hành.
Qua tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy thực trạng công tác lưu trữ tại các xã hiện nay có nhiều bất cập. Nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu thì rất khó tìm kiếm, có khi không tìm thấy. Trong khi cấp xã hiện nay cũng đang lưu trữ những tài liệu như tài liệu liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu.
Do đó, tôi đề nghị dự thảo luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ tại cấp xã, nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã. Có thể không thành lập một bộ phận chuyên trách nhưng giao cho Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện tổ chức lưu trữ đối với các tài liệu lưu trữ thuộc diện lưu trữ mang tính chất lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến công dân từ cấp xã chuyển lên cấp huyện. Tôi cũng đề nghị quan tâm quy định cụ thể hơn về biên chế công chức và nguồn lực vật chất, chế độ, chính sách cho người làm công tác văn thư, lưu trữ; cơ sở vật chất để lưu trữ tài liệu, để thực hiện tốt hoạt động lưu trữ.
Phóng viên: Vậy còn vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số cần quy định như thế nào để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế?
ĐBQH Phạm Thị Kiều: Tôi nhất trí quan điểm phải có những quy định về lưu trữ điện tử và tài liệu số để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số đối với ngành lưu trữ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, không chỉ để đáp ứng việc nâng cấp hạ tầng hiện có mà còn phải thiết lập mới, vận hành, bảo trì, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý tài liệu lưu trữ số trong suốt quá trình hoạt động.
Tôi đề nghị cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt đối với tài liệu lưu trữ mang tính lịch sử, bảo quản vĩnh viễn mà sản sinh ra bằng số thì in ra sau đó xác thực của cơ quan lưu trữ và đưa vào kho. Như vậy, vừa đảm bảo tính bảo quản vĩnh viễn tài liệu lưu trữ lịch sử, vừa đảm bảo sự tiếp nhận của người dân trong việc khai thác giá trị tài liệu lưu trữ.
Bên cạnh đó, về lưu trữ tư, tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế để người dân tự nguyện công bố tài liệu lưu trữ tư để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Nếu yêu cầu hiến tặng đối với những tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt hoặc phải bán cho nhà nước thì có thể sẽ không ai mang tài liệu lưu trữ đi xác định giá trị. Nếu xác định có giá trị đặc biệt, Nhà nước thu mất thì không bao giờ người ta mang đi. Tôi đề nghị phải có cơ chế xác định giá trị tài liệu cũng như công bố giá trị tài liệu đó để những người có nhu cầu có thể khai thác được giá trị của tài liệu lưu trữ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.