TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)
GÓC NHÌN: CẦN CÓ CÁC GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ ĐỂ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG LƯU TRỮ TƯ
Tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia lưu trữ
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và dành một chương (Chương VI) để quy định cụ thể về yêu cầu của hoạt động lưu trữ tư; hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tư, các nội dung đặc thù về nghiệp vụ lưu trữ tư...Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình và đánh gía cao việc mở rộng phạm vi đối tượng này, bởi thực tế cho thấy đang có nhiều tài liệu lưu trữ tư rất có giá trị nhưng chưa được lưu giữ, phát huy phù hợp, chủ yếu được lưu giữ dưới hình thức rất đơn giản, chưa được đánh giá để phát huy giá trị, thậm chí đã xảy ra nhiều trường hợp bị đánh cắp, chuyển nhượng ra nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao khi dự thảo đã dành một Chương riêng về lưu trữ tư, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để đảm bảo tính khả thi, nhưng đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ và tách bạch giữa quy định quyền và nghĩa vụ trong Điều 46 cho rõ nội hàm hoặc chuyển khoản 1 và khoản 5 tại Điều 6 vào Điều 47 cho phù hợp.
Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.
Theo đại biểu, các quy định được bổ sung sẽ tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia lưu trữ, góp phần bảo đảm lưu giữ, bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, đồng thời thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định
Tuy nhiên, theo đánh giá, đại biểu Lý Tiết Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nêu rõ, hiện quy định về lưu trữ tư và lưu trữ Nhà nước tại dự thảo Luật đang cùng một hệ quy chuẩn, quy định giống nhau về cách thức quản lý, điều kiện sử dụng, các điều cấm, giải mật với tài liệu lưu trữ đặc biệt… trong khi hai hệ thống này có sự khác nhau rõ ràng về tính chất, quy trình, phân loại, quản lý....
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, quy định như vậy sẽ nảy sinh một số bất cập trong thực hiện, đại biểu đề nghị, cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan; nghiên cứu, rà soát bổ sung một số quy định về lưu trữ tư, thậm chí có phương thức để thực hiện tư nhân hóa một số nội dung liên quan đến lưu trữ của Nhà nước; kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hiến tặng, trao đổi, hợp tác trong các hoạt động lưu trữ tư…
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An
Ở góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho rằng, đưa ra các quy định điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư cần phối hợp hài hòa giữa hai mục tiêu khuyến khích phát triển và quản lý chặt chẽ. Hiện nay, dự thảo Luật đang đặt ra nhiều nghĩa vụ đối với chủ thể sở hữu tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt. Việc đặt ra những nghĩa vụ là hết sức cần thiết, nhưng đi cùng với đó nếu không có những giải pháp hỗ trợ, khuyến khích mạnh mẽ thì những người sở hữu tài liệu sẽ cân nhắc không tham gia lập hồ sơ đề nghị công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, vì như vậy họ sẽ bị hạn chế quyền định đoạt đối với tài sản của mình”.
Từ đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần xác định mục tiêu quan trọng nhất của quản lý nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể tổng kết đầy đủ thông tin và từ đó phát huy giá trị của các tài liệu này. Bên cạnh đó, khi có đầy đủ các thông tin này thì các cơ quan nhà nước mới có cơ sở để thực hiện các giải pháp quản lý tiếp theo như không cho phép mua bán, trao đổi với người nước ngoài; được ưu tiên mua trước các tài liệu này…
Quy định cụ thể chính sách hỗ trợ của Nhà nước với lưu trữ tư
Tại Điều 45 của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đã quy định 7 chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, những quy định này mang tính chung chung và cũng chưa giao Chính phủ quy định chi tiết. Trong đó, tại khoản 5, Điều 45 quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân hiến tặng tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt cho Nhà nước nhưng chưa rõ các biện pháp khuyến khích cụ thể như thế nào. Tương tự, khoản 6 Điều 45 quy định việc Nhà nước hỗ trợ bảo quản tài liệu lưu trữ tư trong trường hợp xảy ra thảm hoạ hoặc tổ chức giải thể, phá sản nhưng chưa quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục để thực hiện việc hỗ trợ như thế nào.
Để khuyến khích sự tự nguyện tham gia của cá nhân, tổ chức trong hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung chính sách cho phép người dân được đăng ký để được Nhà nước đánh giá giá trị của tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Đồng thời, thay vì chỉ quy định cá nhân, tổ chức được ký gửi miễn phí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào lưu trữ lịch sử, dự thảo Luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể thực hiện bảo quản miễn phí các tài liệu lưu trữ đặc biệt ngay tại các gia đình, tức là dưới hình thức sưu tầm tại chỗ. Thực tế cho thấy quy định như vậy sẽ phù hợp với tâm lý chung của các gia đình, dòng họ, do các cái tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt thường có giá trị tinh thần rất là cao nên các gia đình, dòng họ thường mong muốn được lưu giữ tại nơi linh thiêng của gia đình.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị, cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh về hỗ trợ, khuyến khích hoạt động lưu trữ tư giữa dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và các đạo luật có liên quan. Bởi, theo quy định hiện hành, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt chịu sự điều chỉnh của Luật Lưu trữ, Luật Di sản Văn hoá và Luật Thư viện. Tại các luật này có những quy định riêng về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, di sản văn hoá hoặc sách vở có giá trị quý hiếm. Sự trùng lặp giữa các luật khiến người dân gặp khó khăn nhất định trong việc lựa chọn hình thức bảo vệ các tài liệu có giá trị của mình, do những thiết chế khác nhau có những chính sách hỗ trợ khác nhau. Việc trùng lặp như vậy cũng sẽ dẫn đến việc lãng phí ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, các quy định về hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư trong dự thảo Luật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung các quy định này nhằm phát huy tốt hơn giá trị của tài liệu lưu trữ tư; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý đối với tài liệu lưu trữ tư.