Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu của người dân về trường, lớp học vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, đặc biệt là ở khu vực đô thị lớn, khu vực có nhiều khu, cụm công nghiệp có tốc độ dân số cơ học tăng nhanh, tình trạng quá tải học sinh khá phổ biến. Mặt bằng một số trường học ở khu vực đô thị chưa bảo đảm diện tích theo tiêu chuẩn quy định nhưng chưa được dành quỹ đất để mở rộng. Nhiều địa phương ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hệ thống trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vẫn còn nhiều điểm trường có quy mô nhỏ, còn nhiều điểm trường lẻ dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực…
Phóng viên: Thực trạng trên có nguyên nhân nào từ những vướng mắc về pháp lý không thưa bà?
TS.Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Thực tiễn cho thấy, các quy định của Luật đất đai 2013 đối với đất xây dựng các công trình giáo dục và đào tạo (thuộc loại đất phi nông nghiệp, đất xây dựng công trình sự nghiệp) đã được các cơ quan, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện, phù hợp với định hướng phát triển của ngành, tạo điều kiện góp phần thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các địa phương.
Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành Luật Đất đai đã bộc lộ một số bất cập, gây không ít khó khăn, lúng túng cho ngành giáo dục và đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục, đào tạo, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó có một số vấn đề nổi lên sau:
Thứ nhất, còn có sự phân biệt trong chính sách thu hồi đất để xây dựng công trình giáo dục và đào tạo dựa trên nguồn vốn đầu tư của nhà nước và của xã hội. Các cơ sở giáo dục ngoài công lập quy mô nhỏ và vừa, các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập khó tiếp cận với quỹ đất ở các địa phương do phải thỏa thuận để nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất để thực hiện dự án.
Thứ hai, chưa có quy định rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong các hoạt động liên doanh, liên kết, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thế chấp đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; về quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất.
Thứ ba, quy định về việc các cơ sở giáo dục đại học công lập chuyển đổi thành tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải chuyển sang thuê đất gây nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Thứ tư, chưa có quy định thuận lợi cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất xây dựng công trình giáo dục và đào tạo có nguồn gốc đất ở trở lại thành đất ở khi kết thúc dự án hoặc khi người sử dụng có nhu cầu...
Phóng viên: Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, ngày 18/01/2024, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội ban hành với nhiều điểm mới. Theo bà, Luật Đất đai lần này đã giải quyết được những vấn đề nào đối với đất đai cho giáo dục và đào tạo?
TS.Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương: Với việc Quốc hội thông qua Luật đất đai 2024, tôi nhận thấy, có nhiều vấn đề bất cập của thực tiễn đã được giải quyết, cụ thể là:
Thứ nhất, Luật Đất đai 2024 đã quy định việc xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo là một trong những trường hợp được Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại. Theo đó các dự án “xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo được Nhà nước thành lập hoặc cho phép hoạt động, bao gồm: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp” (Khoản 16, Điều 79) sẽ được Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, các dự án xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo không phân biệt nguồn vốn đầu tư, do “nhà nước thành lập” hoặc “cho phép hoạt động”; thuộc mọi cấp học, bậc học, từ mầm non, giáo dục phổ thông, đến giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều được đối xử công bằng về quyền tiếp cận đất đai.
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, các quy định của Luật Đất đai 2024 là một bước tiến quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo
Thứ hai, Luật đất đai 2024 quy định một số trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, trong đó có:
(1) các Dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư) xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (điểm b Khoản 2 Điều 124);
(2) giao đất có thu tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất ở cho cá nhân là giáo viên công tác tại các xã biên giới, hải đảo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có đất ở, nhà ở tại nơi công tác hoặc chưa được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở (điểm b Khoản 3 Điều 124);
(3) cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất (điểm g Khoản 3 Điều 124).
Thứ ba, về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giáo dục và đào tạo, Luật đất đai 2024 quy định: Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện trong trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan (điểm a Khoản 1 Điều 157). Trong khi đó, Điều 17 Luật Giáo dục 2019 quy định: "đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật"; Điểm i Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư năm 2020 cũng quy định ngành nghề ưu đãi đầu tư bao gồm "giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học".
Như vậy, các dự án đầu tư xây dựng công trình giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học đều đáp ứng được điều kiện áp dụng việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm và các dự án sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (điểm g Khoản 1 Điều 157) cũng là đối tượng được miễn giảm tiền thuê đất. Đáng chú ý là Luật Đất đai 2024 đã bổ sung quy định: "Đối với trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn. Người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" (Khoản 3 Điều 157), quy định này đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các trường đại học hiện nay.
Thứ tư, về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất xây dựng công trình giáo dục, đào tạo: theo quy định tại Khoản 1, Điều 121 về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất xây dựng công trình giáo dục, đào tạo không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 121 cũng quy định: "Trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài phù hợp quy định của pháp luật đã chuyển sang sử dụng vào mục đích khác mà nay có nhu cầu chuyển lại thành đất ở và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì không phải nộp tiền sử dụng đất". Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cũng cho phép việc sử dụng đa mục đích đối với đất ở, cụ thể là trường hợp: "đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh" (điểm d Khoản 1 Điều 218) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật. Những quy định này đã tháo gỡ khó khăn cho việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là xây dựng cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở các đô thị.
Thứ năm, nhiều nội dung liên quan đến việc sử dụng đất đai của đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ sở giáo dục, đào tạo được quy định khá cụ thể:
(1) Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Khoản 4 Điều 118).
(2) Đơn vị sự nghiệp công lập đang được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại (trường hợp này phải xác định lại giá đất để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê) (Khoản 1 Điều 30).
(3) Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó (Khoản 3 Điều 30).
(4) Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất do Nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm có quyền cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đối với đất đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thì được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp đa mục đích theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt phù hợp với quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan; trường hợp có đầu tư xây dựng công trình trên đất phải phù hợp với pháp luật về xây dựng (Khoản 2 Điều 34).
(5) Đối với đất do đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng mà có nhu cầu cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế thì phải có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (Khoản 2 Điều 34).
(6) Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê của tổ chức, cá nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao thì có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự (Khoản 3 Điều 34).
(7) Đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng đất phi nông nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, khi Nhà nước thu hồi đất nếu đủ điều kiện được bồi thường theo quy định thì được bồi thường về đất (Khoản 3 Điều 100).
Có thể nói, các quy định của Luật Đất đai 2024 là một bước tiến quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo. Bước đầu, các chính sách ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở giáo dục, đào tạo đã có sự thống nhất với chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục ở cả khu vực công và khu vực tư, ở các quy mô khác nhau, ở các địa bàn khác nhau đều có cơ hội, điều kiện tiếp cận quỹ đất của các địa phương để đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo. Tuy vậy, để các quy định của Luật đi vào thực tiễn, nhiều nội dung cần được quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành bởi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!