TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 18/3: PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC NGOẠI GIAO
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao
Chiều 18/03, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Đã có 32 đại biểu chất vấn 01 đại biểu tranh luận với 38 câu hỏi được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trả lời.
Nội dung chất vấn tập trung vào công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam. Thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam với thế giới và việc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước vào Việt Nam để phát triển du lịch. Công tác quản lý, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực tổ chức bộ máy ngành ngoại giao; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sau phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời rõ ràng, rành mạch, đi thẳng vào các vấn đề ĐBQH quan tâm chất vấn; đồng thời đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào việc lựa chọn chủ đề chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đây là lần thứ nhất trong hai khóa Quốc hội (Quốc hội khóa XIV và Quốc hội khóa XV) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Trước đó, có chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, với nội dung chất vấn trong phạm vi rộng, nhưng đây là lần đầu tiên trong hai khóa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp buổi chất vấn riêng về hoạt động ngoại giao đối Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tôi cho rằng, đây là sự đổi mới rất cần thiết, bởi lâu nay nhiều người cho rằng hoạt động ngoại giao mang tính nội bộ, không thể công khai, nhưng lần này đã được đưa ra để bàn thảo tại phiên chất vấn, được truyền hình trực tiếp để Nhân dân và cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp, lựa chọn chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội và phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Tôi đánh giá cao sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định rất bài bản, khoa học, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất trách nhiệm, chất lượng, tập trung vào nhiều mảng vấn đề, từ các vấn đề cụ thể, đến những vấn đề mang tính tổng hợp và vấn đề chuyên sâu mang tính chiến lược, dài hạn.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã để lại ấn tượng rất lớn đối với bản thân tôi và tôi tin rằng phần trả lời chất vấn này cũng để lại ấn tượng và sự đánh giá cao của đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn, của cử tri và Nhân dân theo dõi phiên họp. Nội dung trả lời của Bộ trưởng cho thấy tư lệnh ngành ngoại giao đã rất thông hiểu, nắm vững vấn đề, thể hiện tinh thần trách nhiệm và không né tránh những vấn đề nhạy cảm, trong đó có những sai phạm của ngành thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Anh Trí
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nêu bật những kết quả ngành ngoại giao đã đạt được; đồng thời thẳng thắng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để tìm giải pháp thay đổi và sửa chữa. Điều này đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của ngành ngoại giao Việt Nam; giúp đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân hiểu rõ hơn hoạt động đối ngoại chung của đất nước.
Tôi cho rằng, có được kết quả đáng mừng này có sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, của Nhân dân đã góp phần đưa đất nước phát triển hòa bình, thịnh vượng. Trong đó, có vai trò rất lớn của Bộ Ngoại giao và được đại biểu Quốc hôi và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần khẳng định vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phóng viên: Tham dự phiên họp, đại biểu cũng quan tâm chất vấn Bộ trưởng về việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện đối với một số quốc gia. Đại biểu đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn này?
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Thời gian qua, cử tri và Nhân dân rất phấn khởi và đánh giá cao những thành công của hoạt động đối ngoại. Việt Nam cũng đã ký kết, nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia lớn. Tại phiên họp này, tôi đã chất vấn đề nghị Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khái quát ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đối với một số nước trong việc nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam để đóng góp vào đảm bảo hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế ở một thế giới đầy biến động và phức tạp như hiện nay?
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội
Sau khi chất vấn, tôi đã nhận được câu trả lời rất thỏa đáng của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Bộ trưởng nêu rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 32, đánh giá đây là "những kết quả rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử". Trong 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, hiện nay Việt Nam đã có 7 đối tác chiến lược toàn diện. Với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đều có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, hoặc Đối tác chiến lược.
Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với các nước đối tác lớn, đối tác quan trọng thể hiện sự quan tâm và hiểu biết tin cậy chính trị giữa Việt Nam với các nước đối tác lớn cao hơn rất nhiều sau một thời gian đặt quan hệ. Trên cơ sở tin cậy chính trị tăng lên, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng có bước phát triển như về lao động, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, hợp tác văn hóa... Tất cả các lĩnh vực này đều có những nội dung, nội hàm hợp tác rất cụ thể với từng đối tác, được nêu rõ trong các Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ với các đối tác.
Tôi cũng đánh giá cao quan điểm của ngành ngoại giao được Bộ trưởng nêu tại phiên chất vấn, đó là việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, Việt Nam luôn quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!