Chú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị nêu rõ, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên.
Chỉ thị số 30-CT/TU nêu rõ, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng đã hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực… Đây là niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Hà Nội.
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội; coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Phóng viên: Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được đưa vào các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội ở nhiều nhiệm kỳ liên tiếp. Mới đây nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", góp phần xây dựng đô thị văn minh, làm cho Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”. Xin ông cho biết quan điểm của mình về Chỉ thị này?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Với vị trí Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa. Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra yêu cầu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật; người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Trong rất nhiều cuộc làm việc, kiểm tra, tiếp xúc cử tri sau này của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô, tinh thần ấy đều được toát lên trong các chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu Hà Nội cần phải vươn tới, đạt được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025)
Vì vậy, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ, Chính quyền Thủ đô đặt ra trong nhiều nhiệm kỳ qua. Theo tôi, đây là một hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Hà Nội – mảnh đất là trái tim của Tổ quốc, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời cũng là nơi giữ nhịp đập, điều tiết cho sự phát triển chung của đất nước. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “nói đến Thủ đô Hà Nội, trong lòng mỗi người con đất Việt đều xúc động, tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người, thành phố vì hoà bình, để rồi "dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội". Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thủ đô, cũng như để người Hà Nội trở thành những tấm gương sáng, đẹp đẽ nhất, đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Việc Hà Nội tiếp tục ban hành chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã thể hiện đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, với sự tập trung cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, để nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân.
Bởi xét cho đến cùng, con người là đích đến của mọi sự phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ... Chăm lo cho con người cũng là chăm lo cho sự phát triển bền vững đất nước. Nguồn lực con người chính là động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô “Văn hiến -Văn minh – Hiện đại”. Được hỗ trợ bởi bệ đỡ ngàn năm lịch sử, thương hiệu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” và là trung tâm lớn nhất của truyền thống hiếu học của đất nước, giờ đây, chúng ta thấy Hà Nội vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc tụ hội, thu hút và tỏa sáng tài năng con người Việt Nam.
Được hỗ trợ bởi bệ đỡ ngàn năm lịch sử, thương hiệu “dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” và là trung tâm lớn nhất của truyền thống hiếu học của đất nước, giờ đây, Hà Nội vẫn tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc tụ hội, thu hút và tỏa sáng tài năng con người Việt Nam
Là mảnh đất có nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đông đảo nhất cả nước, khi chúng ta biết cách phát huy nguồn lực to lớn này, chắc chắn Hà Nội sẽ có một cơ hội tuyệt vời để phát triển Thủ đô theo cách năng động, sáng tạo và bền vững, phù hợp với xu thế lớn của sự phát triển trên thế giới, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với định hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa dồi dào của Thủ đô.
Phóng viên: Trong Chỉ thị, Thành ủy Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Như tôi đã nói, đây là một nhiệm vụ quan trọng nhưng rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, chúng ta có thể thấy công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiến triển còn chậm, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển văn hóa Thủ đô. Một số giá trị con người Thủ đô đang bị mai một. Nhiều thói xấu của người dân như lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, nhà trường, xã hội, khi tham gia giao thông, các biểu hiện coi thường luật pháp, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng… đang ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đẹp của con người Hà Nội và văn hóa Hà Nội.
Theo tôi, sở dĩ còn có tình trạng này vì chúng ta vẫn chưa định hình được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống con người Hà Nội. Các tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn chung chung. Việc cụ thể hóa để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện chậm và lúng túng. Việc triển khai, cụ thể hóa việc thực hiện các chuẩn mực, tiêu chí con người thanh lịch, văn minh cho từng đối tượng cụ thể ở một số ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, một bộ phận dân cư, nhất là lớp trẻ có xu hướng bắt chước lối sống lai căng, thực dụng, buông thả, không có lý tưởng; thiếu ý thức tu dưỡng cá nhân; vô trách nhiệm với sự phát triển của gia đình, cộng đồng, xã hội. Giáo dục đạo đức, lối sống cho tầng lớp thanh thiếu niên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, những ảnh hưởng bên ngoài từ quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là thông tin tiêu cực từ mạng xã hội với nhiều mặt trái, hệ lụy, đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải giáp
Phóng viên: Trong nhiều nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị đề ra, theo ông đâu là nhiệm vụ quan trọng đáng lưu tâm? Với tư cách là đại biểu quốc hội, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực văn hoá, ông có góp ý gì cho Hà Nội để Chỉ thị này sớm đi vào cuộc sống?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi thấy nhiệm vụ nào cũng rất quan trọng, và chúng ta cần thực hiện đồng bộ tất cả giải giáp để có thể có những chuyển biến thực sự. Tuy nhiên, để lựa chọn, tôi nghĩ chúng ta nên bắt đầu từ những việc nhỏ, có thể thực hiện được bởi từng người. Vì thế, tôi mong rằng, chúng ta có thể thực hiện tốt nhiệm vụ: Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh. Mỗi công dân Thủ đô trong sinh hoạt, hoạt động đầu tư, cần giữ gìn, có văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, đề cao lòng tự trọng, gìn giữ và lan tỏa chữ “tín” với các đối tác trong và ngoài nước; để Hà Nội trở thành một “đô thị đáng sống”, điểm đến hấp dẫn về lịch sử, văn hóa và con người đối với du khách trong và ngoài nước.
Để Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống, tôi nghĩ, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp ở Thủ đô cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị quan trọng này. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị thành hành động cụ thể của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.
Thứ hai, chúng ta cần nêu cao vai trò gương mẫu về đạo đức, phong cách, lối sống của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức Thành phố Hà Nội, như những tấm gương cho nhân dân noi theo về xây dựng và thực thi các giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thứ ba là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tăng cường phổ biến việc giáo dục giá trị rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình) và truyền thông mới (website, mạng xã hội trên Internet...) kết hợp với các kênh truyền thông khác (panô, áp-phích, các điểm công cộng, phương tiện giao thông)... Chú trọng đa dạng hóa các hình thức thông tin, truyền thông, gương người tốt việc tốt trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu, rộng về các sản phẩm, di sản văn hoá truyền thống. Hoặc tổ chức các cuộc thi sáng tác về chủ đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở nhiều loại hình nghệ thuật, trong nhiều cộng đồng khác nhau.
Cho rằng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ chính trị, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trong thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thứ tư là phải phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cần củng cố các giá trị trong gia đình qua nền nếp, gia phong, truyền thống gia đình, qua tấm gương ông bà, cha mẹ đối với con, cháu; không phó mặc, “khoán trắng” cho nhà trường và xã hội. Khai thác và phát huy những giá trị của gia đình Hà Nội truyền thống bên cạnh việc bổ sung, tiếp thu những giá trị mới của gia đình hiện đại.
Thứ năm là phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bằng việc tiếp tục, hoàn thiện việc đưa nội dung giáo dục giá trị con người Hà Nội thanh lịch, văn minh ở các cấp phổ thông, trong chương trình giáo dục địa phương. Tăng cường thời lượng giảng dạy, bổ sung một số chuyên đề: bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tôn trọng pháp luật cho học sinh trong bộ tài liệu. Lồng ghép nội dung giáo dục giá trị vào các môn học: ngữ văn, lịch sử với phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn. Để hướng tới phát triển con người Hà Nội toàn diện, cần chú trọng giáo dục trí, đức lồng ghép với giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất.
Thứ sáu, phát huy vai trò của môi trường xã hội trong việc triển khai thành các hoạt động cụ thể, phù hợp trong thực tiễn ngành, giới, địa phương, đơn vị mình về xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Cần triển khai hệ giá trị chung thành những bộ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, tiêu chí văn hóa thích hợp để thực hiện.
Thứ bảy là phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Chú trọng phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Khuyến khích sáng tác các tác phẩm hướng con người tới khát vọng chân, thiện, mỹ, giúp con người thanh lọc tâm hồn, tự hoàn thiện bản thân, xây dựng các giá trị mới của thời đại, khiến cho văn hóa thực sự “soi đường cho quốc dân đi".
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!