Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 122366a1-4969-90f0-c4c5-0cb4790a0e64.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: HOÀN THIỆN VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ - CƠ HỘI ĐỂ HÀ NỘI BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN

25/03/2024

Chia sẻ trước thềm Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng mai (26/3) để thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, mà trọng tâm là hoàn thiện việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, đây cũng là cơ hội để Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển.

CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH THẢO LUẬN MỘT SỐ NỘI DUNG TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Theo dự kiến chương trình, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 26/3 đến ngày 28/3. Sáng mai (26/3), các đại biểu sẽ thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là “thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Để đạt được mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế, mà trọng tâm là hoàn thiện việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là cơ hội để Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng về phát triển Thủ đô Hà Nội; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong các quy định hiện hành; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Nhất trí với việc không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội

Liên quan đến nội dung chính quyền tại thủ đô, đại biểu Nguyễn Minh Tâm tham gia góp ý về mô hình tổ chức và tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như đề xuất trong dự thảo Luật; nhất trí với việc không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội. Bởi theo Tờ trình, qua quá trình thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, không có vướng mắc; do đó việc giữ ổn định tổ chức như vậy là phù hợp, tránh sự xáo trộn không cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, và khác với Hà Nội là cả 2 thành phố này đều không tổ chức HĐND ở cả quận và phường. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại cả 03 địa phương nêu trên để nghiên cứu, cân nhắc có thể áp dụng tương tự tại thành phố Hà Nội (không tổ chức HĐND ở phường). Hoặc nếu không, cũng cần giải trình rõ lý do tại sao ở Hà Nội chỉ không tổ chức HĐND ở phường mà không phải cả ở phường và quận.

Cân nhắc quy định UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Về quy định UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (tại khoản 2 Điều 13), đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, quy định này nhằm hạn chế việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với xã, phường là phù hợp với tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc xem xét thêm.

Bởi vì tại khoản 2 Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định “Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao” và tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghiêm cấm “ban hành văn bản quy phạm pháp luật không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật”. Như vậy với quy định như dự thảo, nếu trong trường hợp luật hoặc nghị quyết chuyên ngành của Quốc hội có giao cho UBND xã, phường ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các phường ở Thủ đô Hà Nội không thực hiện được.

Cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện

Về việc cho phép UBND, Chủ tịch UBND Thành phố phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hoặc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (khoản 1, 2 Điều 14), đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhất trí với nội dung này. Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung ngay trong luật các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Theo đó, việc phân cấp, uỷ quyền chỉ nên được thực hiện trong một số lĩnh vực, và với các điều kiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, tránh bị lạm dụng trong thực tế.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, theo dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này có một số quy định theo hướng mở rộng lĩnh vực, nâng mức xử phạt, mở rộng phạm vi áp dụng và bổ sung một số biện pháp (cắt điện, nước) nhằm góp phần xử lý dứt điểm hành vi vi phạm hành chính, sớm lập lại trật tự kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Việc mở rộng, bổ sung một số quy định nêu trên là cần thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề cập về hai vấn đề chính sau:

Cần thiết nâng mức xử phạt, mở rộng phạm vi áp dụng để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm

(1) Đối với việc mở rộng địa bàn áp dụng đối với các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng “trên toàn địa bàn thành phố” (Luật Thủ đô trước đây chỉ quy định trong khu vực nội thành), quy định này nhằm khắc phục “hai chế độ” xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành trong cùng địa bàn thành phố.

Qua nghiên cứu, đối chiếu, so sánh với Luật Xử lý vi phạm hành chính cho thấy, tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định “Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung…” và do HĐND thành phố quy định.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ các khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương mới áp dụng mức phạt tiền cao hơn không quá 02 lần mức phạt chung. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, quy định này có sự bất hợp lý đó là cùng một hành vi vi phạm hành chính trên cùng một địa bàn nhưng mức xử phạt lại khác nhau, không phù hợp với nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính “Việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành công khai, khách quan, công bằng……”.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đồng tình với quan điểm của Hà Nội là mở rộng địa bàn áp dụng cả nội thành và ngoại thành theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm áp dụng chung cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước.

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội phát triển

Cân nhắc việc bổ sung áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước

(2) Về áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước, tại khoản 3 Điều 33, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định: “3. Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh”.

Và trong trình tự thực hiện được quy định như sau: “4. Người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều này bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn”.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, đây được coi là biện pháp mạnh, cần thiết trong việc xử lý dứt điểm, hiệu quả các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh các hành vi vi phạm hành chính xảy ra khá tràn lan, phương thức, biện pháp quản lý còn chưa thực sự hiệu quả, trật tự quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn bị xâm hại, thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên một số lĩnh vực tương đối lớn.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm đồng tình với việc bổ sung các biện pháp ngăn chặn này. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc xem xét trên 02 khía cạnh sau:

- Việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước như dự thảo có thuộc biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính không; nếu không thì đề nghị giải trình rõ quy trình, thủ tục thực hiện.

- Do việc cung cấp điện, nước là sự thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa bên cung cấp dịch vụ với người sử dụng dịch vụ; được xác lập trên cơ sở thỏa thuận thông qua hợp đồng. Việc thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng phải được xử lý theo cơ chế hợp đồng (nghĩa là do các bên tự thỏa thuận). Do đó, trong dự thảo Luật cần có điều khoản ràng buộc các tổ chức, cá nhân khi thỏa thuận cung cấp dịch vụ điện, nước trong hợp đồng phải thể hiện nội dung này. Đồng thời, có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã xác lập trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm hy vọng rằng, việc sửa đổi luật Thủ đô lần này sẽ có những sửa đổi phù hợp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác