Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 97f667a1-6985-90f0-c4c5-07edecae013d.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN HUY THÁI: CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ VỚI HIỂM HỎA NƯỚC BIỂN DÂNG, SỤT LÚN ĐẤT TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

31/08/2019

Từ năm 2010 đến nay, tình trạng nước biển dâng, sạt lở tại đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến nhanh và phức tạp. Trước kiến nghị của cử tri địa phương, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về giải pháp ứng phó với hiểm họa nước biển dâng và sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Hiểm họa nước biển dâng, sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Từ năm 2010 trở về trước, sạt lở và bồi lắng các dòng sông và bờ biển nơi đây theo quy luật tự nhiên chung và tạo cân bằng tương đối. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, diễn biến nước biển dâng, sạt lở ngày càng phức tạp.

Nước biển dâng cao, cùng với sự thay đổi dòng chảy tại các con sông đã khiến tình trạng sạt lở ở Đồng bằng Sông Cửu Long những năm gần đây diễn ra phổ biến; năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Cử tri Nguyễn Thị Nga, cư trú tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau chia sẻ, hằng năm vào các tháng từ 5 - 8 âm lịch, trên địa bàn huyện thường xảy ra các vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới nhà ở, tài sản của nhiều hộ dân.

Điểm sạt lở tại Cà Mau

Thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có 562 điểm sạt lở, với chiều dài gần 800km, trong đó 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm đe dọa cuộc sống của gần 20 triệu người. Nhiều tỉnh đã phải công bố tình trạng khẩn cấp do sạt lở nghiêm trọng.

Vì sạt lở bờ sông, bờ biển, trong những năm gần đây, vùng đồng bằng Sông Cửu Long mất từ 300 đến 500 ha đất mỗi năm khiến hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Tại tỉnh Đồng Tháp, hơn 123 km chiều dài dòng chính sông Tiền qua địa phương này thì có đến 101 km bờ sông bị xói lở. Chỉ tính từ năm 2005 đến 2018, Đồng Tháp mất hơn 322 ha đất vì bị nước cuốn trôi. Do đó, tỉnh phải di dời hơn 8.000 hộ dân và hiện còn hơn 6.000 dân đang sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi an toàn. Tại Cà Mau, từ năm 2007 đến nay, tỉnh mất gần 9.000 ha rừng phòng hộ ven biển do sạt lở.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng này, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường - cho rằng, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng là do tác nhân của thiên tai và nhân tai. Bên cạnh chịu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn có tác động không nhỏ từ hoạt động của con người như việc phát triển cơ sở hạ tầng không theo quy hoạch, tình trạng gia tăng dân số, gây sức ép với các công trình, nhà ở ven sông, ven biển. Ngoài ra là sự mất cân bằng bùn cát do việc xây dựng các hồ chứa, hệ thống thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kong và tình trạng khai thác cát, sỏi bừa bãi ở lòng sông, ven biển và việc chặt phá rừng bừa bãi đã khiến tình trạng sạt lở có xu thế gia tăng cả về phạm vi và quy mô.

 PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở, những năm qua, Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các địa phương trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển. Chỉ riêng trong năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch để các địa phương xây dựng công trình phòng, chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý 29 dự án cấp bách sạt lở bờ sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xử lý sạt lở 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 đến 2020, và 36 triệu USD từ dự án của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai một số nội dung về xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển và xây dựng bản đồ sạt lở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đưa lên bản đồ trực tuyến (webGIS).

Đánh giá về những nỗ lực cũng như giải pháp của Chính phủ và các Bộ, ngành thời gian qua, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - cho rằng, đã có nhiều quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển ngành và địa phương, nhiều chương trình, dự án về phát triển và bảo vệ sự sạt lở của khu vực này, tạo nhiều chuyển biến tích cực để ứng phó cũng như thích nghi với tình trạng sạt lở tại đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nữa sự đồng bộ, liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai. 

PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam 

Để chủ động ứng phó, thích nghi với tình hình sạt lở, ngày 17 tháng 11 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết ra đời rất kịp thời nhằm định hướng chiến lược cho phát triển của đồng bằng Sông Cửu Long trước bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và xu thế ngày càng gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.

Qua thực tiễn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết vẫn còn có một số bất cập, hạn chế cần phải sớm khắc phục trong đó có vấn đề sụt lún, sạt lở mặc dù  đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đầu tư khắc phục nhưng chưa đủ, vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Đối với câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Huy Thái liên quan đến những giải pháp ứng phó với hiểm họa nước biển dâng và sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long, văn bản trả lời của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ:

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế lún sụt đất, một mặt hạn chế đến mức thấp nhất việc sụt lún của đồng bằng Sông Cửu Long, mặt khác phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó có một số giải pháp trọng tâm như:

- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, từ năm 2010 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, Trung ương đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long 10.419,28 tỷ đồng.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để củng có hệ thống đê biển, kè bảo vệ bờ biển và trồng cây ngập mặn ven biển. Ngoài ra, Trung ương sẽ tiếp tục đầu tư đối với các dự án phòng chống xói lở bờ biển theo Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ, dự án hệ thống thủy lợi ngăn mặn giữ ngọt Cái Lớn – Cái Bé và các dự án phòng chống xói lở bờ biển Tây thuộc tỉnh Cà Mau, Kiên Giang từ nguồn vốn WB9, dự án thủy lợi kiểm soát mặn Bắc Bến Tre từ nguồn vốn JICA3.

-Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thường xuyên cập nhật và công bố kịch bản biến đổi khí hậu; chỉ đạo các Bộ, địa phương vùng đồng bằng Sông Cửu Long phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp –ÀD nghiên cứu bờ biển khu vực Gò Công, bờ biển Tây; phối hợp với Viện tai biến đại chất Na Uy và các cơ quan nghiên cứu sụt lún đất vùng đồng bằng Sông Cửu Long; thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu các giải pháp phòng chống xói lở bờ biển vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu.

- Chủ động, tích cực tham gia và phối hợp với các nước thượng nguồn sông Mê Kông trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác của Ủy ban sông Mê Kông để xử lý các vấn đề liên quan đến khai thác và sử dụng dòng chính sông Mê Kông.

- Thực hiện các giải pháp tổng thể phát triển bền vững, thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như vậy, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, nước biển dâng và sụt lún đất là hai thách thức lớn đối với vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Đồng thời, nêu rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế lún sụt đất. Vậy quan điểm của đại biểu Nguyễn Huy Thái trước những giải pháp mà Chính phủ đưa ra như thế nào? Vai trò của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành trước thách thức này cần được nhìn nhận ra sao? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Nguyễn Huy Thái về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

Phóng viên:Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy xin đại biểu cho biết cụ thể nội dung đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Có một thực tế là thời gian qua, đồng bằng Sông Cửu Long đã xảy ra tình trạng sụt lún nghiêm trọng. Theo số liệu công bố của các nhà khoa học, thì tốc độ sụt lún đất trung bình của toàn đồng bằng là khoảng 16cm. Điều này cho thấy, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún đang là những thách thức lớn đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Vì vậy, trước thực tế này cũng như ý kiến kiến nghị của cử tri tại địa phương tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, tôi đã có câu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp nhằm ứng phó với hiểm họa nước biển dâng và sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long.

Phóng viên: Sau khi nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ?

 Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tôi rất đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản đã chỉ rõ những giải pháp cụ thể để ứng phó với hiểm họa nước biển dâng, sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm đến không chỉ đồng bằng Sông Cửu Long mà cả những vùng miền khác trong việc tháo gỡ khó khăn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi mong muốn Chính phủ và cử tri cả nước tiếp tục chia sẻ thêm đối với những khó khăn mang tính đặc thù của đồng bằng Sông Cửu Long.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào với các nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra tại văn bản trả lời?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tôi cho rằng các nhóm giải pháp mà Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra rất đầy đủ, toàn diện và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Những giải pháp này cũng đã được đúc rút ra từ nhiều cuộc hội thảo khoa học về ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng Sông Cửu Long và bản thân chúng tôi cũng đã được tham gia trực tiếp các hội thảo này.

Phóng viên: Bên cạnh những giải pháp Thủ tướng Chính phủ đã nêu, Đại biểu có đề xuất thêm giải pháp gì để khắc phục tình trạng biến đổi khí hậu tại đồng bằng Sông Cửu Long cho phù hợp với điều kiện vùng miền?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Tôi đề xuất Chính phủ quan tâm về đầu tư  phát triển nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh bền vững và một trong những điều đó là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Hiện nay đồng bằng Sông Cửu Long đang phát triển mạnh điện gió tại Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và một số tỉnh khác. Riêng tại Bạc Liêu đầu tư phát triển nhà máy điện gió Bạc Liêu bây giờ là nhà máy điện gió Hòa Bình 1, ngoài ra còn có điện mặt trời, khí hóa lỏng,… Vì vậy, chúng tôi rất mong Chính phủ quan tâm, đầu tư phát triển lĩnh vực này cho đồng bằng Sông Cửu Long.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để thực hiện tốt các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nước biển dâng, sụt lút đất tại đồng bằng Sông Cửu Long đòi hỏi sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, đơn vị. Vậy, vai trò của người đứng đầu Chính phủ trong triển khai thực hiện cần được nhìn nhận như thế nào thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu: Hiểm họa nước biển dâng và sụt lún đất tại đồng bằng Sông Cửu Long là thách thức vô cùng to lớn. Để ứng phó và thích nghi với thách thức này, vai trò của người đứng đầu Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chúng tôi cũng mong rằng Thủ tướng Chính phủ mặc dù bận trăm công ngàn việc quốc kế dân sinh nhưng cũng sẽ dành thời gian thỏa đáng để xem xét và giám sát quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Phóng viên:  Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Huy Thái đánh giá cao những nỗ lực cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc tập trung giải quyết tình trạng sạt lở tại đồng bằng Sông Cửu Long. Xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, nếu không sớm được giải quyết đồng bộ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng kỳ vọng chính quyền các địa phương cùng với người dân sẽ đồng lòng, chung tay cùng Chính phủ để bảo vệ bờ sông, bờ biển, phát triển năng lượng tái tạo, ứng phó hiệu quả trước những tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, tạo đà cho đồng bằng Sông Cửu Long có thể phát triển bền vững./.

Lê Anh