Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 3af567a1-390c-90f0-c4c5-03f742c615af.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TRẺ EM

31/08/2019

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng trở nên nhức nhối trước nhiều vụ việc vừa được phanh phui. Xâm hại trẻ em xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, đối tượng thực hiện hành vi thường là người có quan hệ khá gần gũi với các em.

Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em

23/8, Tòa án nhân dân quận 4, thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa lần thứ hai xét xử ông Nguyễn Hữu Linh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Vụ việc đã từng gây lên những rúng động trong xã hội bởi sự xuống cấp đạo đức ở một bộ phận cán bộ. Mặc dù bản án của phiên toà cấp sơ thẩm đã được phán quyết với mức 18 tháng tù giam dành cho bị cáo Nguyễn Hữu Linh nhưng dư luận vẫn đặt ra câu hỏi: Liệu có đủ sức răn đe?

 Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em

Chỉ trong Quí I năm 2019, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 1111 đã tiếp nhận hơn 300.000 cuộc gọi đến, tư vấn cho gần 6.800 ca, can thiệp hơn 200 ca. Trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 30%. Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2016 và 2017 có 28 tỉnh, thành phố có từ 30 đến 110 trẻ em bị xâm hại. Đáng chú ý là trẻ em bị xâm hại bởi người thân trong gia đình là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ chiếm tỷ lệ cao với hơn 21%, gần 60% bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước và thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất cả nước thì tình hình xâm hại trẻ em tại hai thành phố này diễn biến hết sức phức tạp. Riêng tại Hà Nội, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế con số này còn lớn hơn vì chỉ những hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Ngoài ra, gia đình và nạn nhân không tố giác, vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng đến cuộc sôngs của các trẻ em và gia đình.

Thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em ở cấp cơ sở

Thực tiễn cho thấy, khi các em bị xâm hại, người thân lúng túng trong việc trình báo, cơ quan chức năng chưa có qui chế phối hợp khiến việc tiếp nhận xử lý chậm. Không ít vụ xâm hại trẻ em thường được phát hiện rất chậm, các cơ quan chức năng có chức năng bảo vệ trẻ lại rơi vào thế bị động, chỉ khi các phương tiện truyền thông đưa tin thì địa phương, tổ chức về trẻ em mới biết và giải quyết.

Đại biểu Ngô Thị Minh: Chúng ta thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em ở các xã

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng việc thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác trẻ em ở các xã, vì vậy việc nắm bắt thông tin, nắm bắt điều kiện sinh sống của gia đình có trẻ nhỏ và việc thực hiện những quy định trong Luật Trẻ em đang có những trở ngại nhất định. Do vậy, việc phát hiện kịp thời những trẻ em có bị bạo lực bị xâm hại, bị bạo hành là khó.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc. Đáng lo nhất là rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em nhưng người nhà chưa phát hiện hoặc không tố giác lên cơ quan chức năng.

Ngoài ra, những khoảng trống trong pháp luật cũng đã khiến không ít vụ việc xâm hại trẻ em khó trong quá trình điều tra, thu thập bằng chứng hay tố tụng. Đơn cử hành vi dâm ô đối với trẻ dưới 16 tuổi quy định trong điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định rõ hành vi “dâm ô” là gì, “hành vi quan hệ tình dục khác” là gì? Vì thiếu sự phân hóa cụ thể từng hành vi dâm ô nên mức hình phạt cũng không tương xứng”.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em 

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thống nhất thực hiện chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vào năm 2020”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp gặp gỡ đối tượng, xuống tận cơ sở 

Nhằm triển khai kế hoạch giám sát, chiều 19/8/2019, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - Trưởng Đoàn giám sát, Đoàn công tác số 01 đã nghe đại diện các cơ quan báo cáo về tình hình tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em, thống nhất chương trình, nội dung, phương pháp làm việc, phân công công việc nhiệm vụ của từng thành viên trong Đoàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, các địa phương tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát trong đó báo cáo rõ tình hình giai đoạn 2015 -2019, làm rõ thực trạng, nguyên nhân chủ quan, khách quan, hướng giải quyết và xu hướng gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em. Trên cơ sở đó rút ra đánh giá nhận định bảo đảm khách quan. Trong quá trình giám sát trường hợp cần thiết, Đoàn giám sát sẽ trực tiếp gặp gỡ đối tượng, xuống tận cơ sở để nắm tình hình.

Hơn 5 năm nhưng có tới gần 8.000 trẻ em bị xâm hại. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi nhiều vụ việc chưa được phát hiện và xử lý, để lại hệ luỵ vô cùng nặng nề. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh tốc độ kinh tế xã hội phát triển nhanh chóng tạo nên áp lực mới đối với các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em thì việc Quốc hội giám sát chuyên đề về “thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" là rất cần thiết, vừa đánh giá lại các quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ, phòng chống, xâm hại trẻ em, qua đó sớm giải quyết hiệu quả các vấn đề về trẻ em. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, xâm hại trẻ em đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối, gây hoang mang dư luận, xã hội. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh: Cử tri và nhân dân cả nước bức xúc về nạn xâm hại trẻ em hiện nay

- Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Nạn xâm hại tình dục trẻ em trở thành vấn đề cử tri nhân dân cả nước bức xúc, quan tâm trong thời gian qua. Nó đáng buồn vì hệ thống pháp luật của chúng ta đã có nhưng tình hình tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại sức khỏe tính mạng trẻ em nói chung chưa được kiểm soát. Thời gian qua, Quốc hội rất quan tâm về vấn đề này. Tại các kỳ họp Quốc hội và trong các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề xâm hại trẻ em được đa số đại biểu đặc biệt quan tâm và cho rằng việc Quốc hội giám sát về vấn đề này là rất cần thiết, qua đó tìm ra nguyên nhân và có hướng giải quyết trong thời gian tới.

- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua vấn đề xâm hại trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hệ lụy của nó hết sức nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, sự phát triển của trẻ ở cả hiện tại và tương lai. Gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Đại biểu Quốc hội và nhân dân kỳ vọng có những giải pháp đủ sức răn đe để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm hại trẻ em.

- Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, thiếu sự quan tâm. Văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định. Ngoài ra, việc tiếp cận với các thông tin xấu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội quá dễ dàng đã vô hình chung khiến một số đối tượng có suy nghĩ xấu trong đầu và dẫn tới khi ra ngoài thực tế người ta đã có những hành động hoàn toàn sai trái. Bên cạnh đó, đạo đức xã hội của chúng ta có dấu hiệu xuống cấp so với trước đây.

Phóng viên: Thưa đại biểu, việc Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ trẻ em?

- Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Quốc hội giám sát về vấn đề này sẽ kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em. Quan trọng nhất là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, trừng trị nghiêm khắc những đối tượng phạm tội. Pháp luật nghiêm thì tội phạm ít. Pháp luật mà không nghiêm, chưa nghiêm thì tội phạm sẽ còn nhởn nhơ. Do vậy quy phạm pháp luật phải nghiêm. Bên cạnh đó việc phát hiện và xử lý cũng phải nghiêm. Ngoài ra tăng cường công tác kiểm tra giám sát, mọi hành vi đều phải xử lý nghiêm, phát hiện không có loại trừ thì các quy định của pháp luật sẽ được chấp hành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Xử phạt hành vi xâm hại trẻ em cần phải ở mức tối đa

- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Trẻ em là tương lai của đất nước, rất cần được gia đình và cả xã hội bảo vệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng. Do vậy, việc Quốc hội giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về xâm hại trẻ em để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình phải giám sát vấn đề này. Tôi cũng mong muốn mức xử phạt cho hành vi xâm hại cần phải ở mức tối đa, hết khung cho hành vi vi phạm. Đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu để phòng ngừa, răn đe. Ngoài ra phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình, nhà trường, xã hội với chính quyền để tuyên truyền giáo dục về kiến thức, kỹ năng phòng, chống hành vi xâm hại; Tuyên truyền về pháp luật về những hành vi thiếu chuẩn mực để người dân nhận biết được đúng sai…Mặt khác gia đình và trẻ nhỏ cũng cần phải hết sức cảnh giác với người mình chưa hiểu biết rõ về họ hoặc thiếu sự tin tưởng. Biện pháp nữa là ngăn chặn hình ảnh thiếu chuẩn mực trên mạng.

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt: Sau giám sát phải có những thay đổi thực tế về mặt chính sách để có những giải pháp thực sự đủ sức răn đe

- Đại biểu Vũ Thị Nguyệt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên: Thời gian qua, Nhà nước ta luôn quan tâm, bảo vệ trẻ em như: Năm 2004, Quốc hội thông qua Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Quốc hội ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015; Năm 2016, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em bổ sung các quy định mới để giải quyết những vấn đề vướng mắc của thực tiễn trong thực hiện các quyền trẻ em; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên, công tác bảo vệ trẻ em, tình hình xâm hại trẻ em vẫn phức tạp. Việc Quốc hội giám sát nội dung này là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Song theo tôi khi giám sát cũng phải tập trung chỉ ra được nguyên nhân cũng như giải pháp cụ thể căn cơ để có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này. Sau giám sát phải có những thay đổi thực tế về mặt chính sách, sửa đổi, bổ sung được những quy định còn bất cập để có được những biện pháp thực sự đủ sức răn đe.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhất quán chính sách dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Với sự vào cuộc của Quốc hội trong giám sát chuyên đề về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm hết mực của Quốc hội, Chính phủ công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em sẽ được nhìn nhận đúng nhất, toàn diện nhất ở các cấp, các ngành, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hòa cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần cũng như đạo đức./.

Lê Phương