Đại biểu Võ Đình Tín cho ý kiến từ điểm cầu trực tuyến
Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đại biểu Võ Đình Tín cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, để dự thảo luật được hoàn thiện hơn, đại biểu có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp tại khoản 4 Điều 22 Luật Giám định tư pháp hiện hành quy định người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Mặc dù dự thảo luật không bổ sung, sửa đổi nội dung này, song trên thực tế, quá trình giải quyết tranh chấp các loại án tại Tòa án cho thấy, sau khi xét xử sơ thẩm, bản án sơ thẩm bị kháng cáo và người kháng cáo có đơn yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc giám định lại, vì việc yêu cầu giám định hoặc giám định lại là cần thiết, làm căn cứ để giải quyết vụ án nên Tòa án cấp phúc thẩm phải chấp nhận tiến hành trưng cầu giám định hoặc giám định lại theo yêu cầu của đương sự.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụm từ “phúc thẩm” sau cụm từ “xét xử sơ thẩm”. Theo đó, tại khoản 4 Điều 22 về quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp được quy định lại như sau: “Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”.
Thứ hai, tại khoản 3 Điều 33 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp quy định “tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện theo quy định định của pháp luật về lưu trữ, quy định của bộ, ngành, cơ quan mình. Người thực hiện giám định có trách nhiệm bàn giao hồ sơ giám định cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp theo quy định pháp luật về lưu trữ và quy định của bộ, ngành, cơ quan mình”.
Tuy nhiên, đối với trường hợp trưng cầu, yêu cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định theo yêu cầu vụ việc chưa quy định việc bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định. Vì vậy, để thống nhất việc bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung nội dung bàn giao hồ sơ giám định, bao gồm cả trưng cầu, yêu cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định viên theo vụ việc cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp ngay sau khi bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 36 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giám định tư pháp quy định “kinh phí thanh toán chi phí giám định mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hàng năm của cơ quan đó, được bố trí riêng để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp theo quy định pháp luật để xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Một số trường hợp cần giám định tang vật, mức độ thiệt hại và các yếu tố có liên quan làm cơ sở xử lý vi phạm hành chính, khởi tố hình sự, cơ quan kiểm lâm phải trưng cầu, yêu cầu giám định”.
Theo đại biểu, hiện nay cơ quan kiểm lâm cấp tỉnh không phải là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và chưa được bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ giám định. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung này cho phù hợp./.