Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo cho việc chuẩn bị dự án này và cũng thống nhất với nhiều điểm trong báo cáo thẩm tra; đồng thời góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự án Luật.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Về giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị xem xét lại khái niệm dự án đầu tư, chỉnh sửa lại khái niệm này một cách đầy đủ và cho rằng, dự án đầu tư là tập hợp hồ sơ đề xuất bỏ vốn và sử dụng các nguồn lực để tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên một lĩnh vực, địa bàn cụ thể trong khoảng thời gian xác định.
Về đối tượng ưu đãi đầu tư, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết tại khoản 2 điểm d Điều 15 quy định: dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên thì được hưởng chính sách đầu tư. Theo đại biểu, quy định này chỉ phù hợp với những địa bàn có điều kiện thuận lợi như các tỉnh đồng bằng hay trung du. Tuy nhiên, đối với miền núi thì quy định này cũng chưa phù hợp bởi đây là vùng khó khăn. Do đó, đại biểu đề nghị quy định đối với miền núi chỉ ở mức 200 lao động trở lên để nhằm thu hút lao động và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ở các khu vực này.
Bên cạnh đó, cần phải rà soát, bổ sung các đối tượng ưu tiên mà các doanh nghiệp sử dụng các lao động nữ, đặc biệt là người lao động dân tộc thiểu số, trong dự thảo đã có quy định về người khuyết tật để góp phần giải quyết việc làm cho những đối tượng này. Do vậy mà nội dung của điểm d khoản 2 Điều 15 cần được sửa lại là: dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên, tại vùng núi từ 200 lao động trở lên; dự án sử dụng lao động nữ, lao động người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.
Đồng thời, trong các văn bản hướng dẫn của Chính phủ cần quy định rõ số lượng tối thiểu người dân tộc thiểu số, lao động nữ, người khuyết tật được sử dụng tính chất hợp đồng lao động. Ưu tiên đối với các dự án đầu tư lĩnh vực phi nông nghiệp để khuyến khích các nhu cầu đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm phi nông nghiệp cho lao động hoặc các đối tượng này.
Về địa bàn ưu đãi đầu tư, đại biểu nêu rõ, tại khoản 2 Điều 16 dự thảo luật tiếp tục quy định danh mục ưu đãi đầu tư là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng việc quy định này theo địa bàn trên lĩnh vực đầu tư có những điểm chưa phù hợp trên thực tế.
Đại biểu làm rõ, đây là địa bàn được phân chia theo các tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội, theo khu vực 1, khu vực 2, khu vực 3 và làm cơ sở chủ yếu để thực hiện một số chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng đồng bào dân tộc, gắn với giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hơn nữa, các tiêu chí phân định này thay đổi theo thời gian ngắn (chỉ có 5 năm) và địa bàn thì thường xuyên được rà soát để thay đổi, do sự thay đổi của trình độ phát triển kinh tế - xã hội, do vậy danh mục này thiếu tính ổn định. Trong khi thực hiện đầu tư thì cần thực hiện trong một thời gian dài và yêu cầu chính sách cho địa bàn ổn định để các nhà đầu tư yên tâm. Do đó đại biểu đề nghị danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư nên được lấy theo tiêu chí địa bàn là miền núi, biên giới và hải đảo, là địa bàn được xác định rõ ràng và ổn định, cũng để mang tính bao quát hơn và đây là những khu vực khó khăn, cần được ưu tiên. Do vậy điểm a khoản 2 được sửa lại là: địa bàn miền núi, biên giới và hải đảo.
Về thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở Điều 32, tại điểm d khoản 1 Điều 32 dự thảo quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư dự án của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển và khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Cho rằng đây là những khu vực trọng yếu liên quan đến quốc phòng, an ninh của đất nước, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi phê duyệt chủ trương phải báo cáo các bộ, ngành trung ương có liên quan hoặc phải gửi báo cáo sau khi có quyết định.
Về thẩm quyền chấp thuận đầu tư liên quan đến Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đến Điều 30, đại biểu đề nghị xem xét trường hợp liên quan quy định dự án cần chuyển đổi 50 hecta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trở lên thì trên thực tế nảy sinh trường hợp có dự án quy mô vốn đầu tư nhỏ, chỉ trường hợp là nhóm B hoặc nhóm C, như trường hợp dự án Ka Pét của Bình Thuận vừa qua vẫn phải trình Quốc hội. Do vậy mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí mà thực chất chỉ để xem xét chấp thuận việc chuyển đổi trên 50 hecta rừng trở lên, trong khi chúng ta lại không quy định rõ tiêu chí về chất lượng rừng. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ diện tích rừng chuyển đổi phải là rừng vùng lõi hoặc là khu vực rừng phòng hộ cần bảo vệ nghiêm ngặt, nếu không quy định rõ trên thực tế chúng ta vẫn phải xem xét các trường hợp này. Bên cạnh đó, cần quy định rõ ràng hơn về quy trình, hồ sơ, thủ tục rút gọn để vừa bảo đảm tính chặt chẽ, vừa đơn giản, vừa thông thoáng cho quá trình thực hiện đối với những dự án tương tự như dự án Ka Pét.
Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư liên quan đến Điều 30, 31 và 32, đại biểu nêu rõ, dự án luật quy định về thẩm quyền chấp thuận đầu tư cho 3 chủ thể là: Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đại biểu bày tỏ băn khoăn khi luật 2014 và dự án luật này không có quy định về thẩm quyền chung cho Chính phủ. Đại biểu đặt vấn đề liệu có cần thiết phải nghiên cứu để điều chỉnh quy định thêm đối với những dự án lớn sau dự án mà Quốc hội quyết định là thẩm quyền chung quy định cho Chính phủ hay không? Đại biểu cho rằng nếu như bổ sung điều này quy định cho thẩm quyền chung của Chính phủ để tránh làm áp lực cho Thủ tướng trong việc phải quyết định những khối lượng dự án đầu tư quá lớn. Bên cạnh đó cũng nên quy định thêm một điều về quy trình, thủ tục cho các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ./.