Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk
Theo đó, tại Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phản ánh: Nhiều cử tri là giáo viên, cán bộ y tế của tỉnh Đắk Lắk rất băn khoăn, lo ngại với đề xuất của Chính phủ về việc bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới viên chức. Điều này dễ dẫn đến khả năng người đứng đầu lạm dụng quyền lực để tuyển dụng người nhà, người thân vào làm việc; có thể tước bỏ cơ hội được yên tâm cống hiến lâu dài, phục vụ Nhân dân đối với giáo viên, nhân viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn - vốn là địa bàn mà cán bộ, viên chức thiếu thông tin và ít có điều kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. "Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về ý kiến nêu trên của cử tri và giải pháp để phòng ngừa nguy cơ nêu trên" - Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân nêu chất vấn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân cho biết: Quy định về thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ tám) là thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập: "Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp được tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn)". Việc quy định như vậy cũng là phù hợp với quy định tại Khoản 3 Điều 240 Bộ luật Lao động: "Chế độ lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức xã hội khác và xã viên hợp tác xã do các văn bản, pháp luật khác quy định nhưng tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này. Chính phủ ban hành chính sách lương cụ thể để áp định đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân".
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội.
Để hạn chế việc lạm dụng quyền lực để tuyển dụng "người nhà", "người thân" vào làm việc, trong quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã có quy định “trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đâu đơn vị sự nghiệp công lập phải ký kết tiếp hợp đồng làm việc với viên chức; trường hợp không ký kết tiếp hợp đồng làm việc đối với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.". (khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức). Đồng thời, thời hạn của hợp đồng cũng được nâng lên từ đủ 12 tháng đến 36 tháng thành từ đủ 12 tháng đến 60 tháng (khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật).
Ngoài ra, để hạn chế việc lạm dụng quyền lực như đại biểu đã nêu thì trong quá trình triển khai cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng.
- Xây dựng, hoàn thiện bộ khung tiêu chuẩn cho tất cả chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước, cấp nào ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy.
- Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là công tác tuyển dụng, việc lựa chọn, bố trí, tuyển dụng phải đúng nguyên tắc, dân chủ, minh bạch, công khai, công tâm, khách quan.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện công khai việc tuyển dụng công chức, viên chức; không phân biệt văn bằng, chứng chỉ, loại hình đào tạo; địa giới hành chính vùng miền.
- Bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2014 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Nội vụ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (để thay thế cho các Nghị định của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật công chức, viên chức đã ban hành trước đó, gồm Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức; đồng thời, để thống nhất với quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị. Theo đó, có quy định về xử lý vi phạm trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt chế độ trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức); thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của đơn vị; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có hành vi vi phạm cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và của pháp luật.