Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 99db68a1-099a-90f0-c4c5-022371f1d9d4.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH PHAN THỊ BÌNH THUẬN: TRÁNH LẠM DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT NHẰM ĐÁP ỨNG TỐT NHU CẦU CỦA THỊ TRƯỜNG

10/12/2020

Trước tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất nông nghiệp, đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp cho vấn đề này.

Việt Nam nhập 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật/năm

Những năm gần đây, Việt Nam liên tiếp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật với số lượng ngày một gia tăng. Nếu năm 2005, số lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu  20.000 tấn thì năm 2014 lên đến gần 50.000 tấn. Đặc biệt, những năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu dao động từ 70.000-100.000 tấn mỗi năm, với giá trị thương mại khoảng 700-800 triệu USD/năm. Trong đó, các thuốc bảo quản nông sản, khử trùng chiếm khoảng 20% (đây là các loại thuốc không sử dụng ra đồng, ruộng); 30% là các loại thuốc trừ cỏ; 50% còn lại được hiểu là thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu.

Đáng chú ý, chỉ trong 8 tháng của năm nay, Việt Nam đã nhập tới 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tất cả số thuốc này phun xuống đồng ruộng thì trung bình mỗi ha sẽ là 10kg thuốc bảo vệ thực vật. Còn nếu tính bình quân theo đầu người thì trung bình mỗi người dân Việt Nam sử dụng 1,1 kg thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm. Đáng quan ngại, số lượng thuốc bảo vệ thực vật thực tế còn có thể cao hơn nhiều khi cả nước còn khoảng 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ngoài 37.000 tấn hóa chất bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý thì còn bao nhiêu tấn thuốc bảo vệ thực vật đã và rất có thể qua mặt được cơ quan chức năng vẫn len lỏi vào trong thị trường hợp pháp và được người dân sử dụng trong tăng gia sản xuất? Và có lẽ không khó để lý giải tại sao người tiêu dùng luôn canh cánh nỗi lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm trong những năm gần đây?

Xã Mâ Linh sử dụng 9,2 tấn thuốc bảo vệ thực vật 

Chỉ tính riêng xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, mỗi năm sử dụng bình quân 9,2 tấn thuốc bảo vệ thực vật, riêng lượng thuốc dùng trên 206 ha hoa hồng hơn 8,2 tấn, tức khoảng 40 kg/ha/năm, cao gấp 4 lần mức trung bình toàn quốc. Năm 2019, toàn huyện chiếm 1/6 lượng thuốc sử dụng của thành phố khi có diện tích trồng hoa và rau màu lớn.

Tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, thống kê cũng cho thấy, năm 2019, địa phương sử dụng khoảng 12 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại, chủ yếu là thuốc trừ cỏ.

Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khắc nghiệt không những tác động mạnh mẽ đến sinh trưởng phát triển của cây trồng, mà còn làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại, gia tăng dịch bệnh. Chính vì vậy, để bảo vệ cây trồng phát triển tốt trước thách thức này, người dân hầu khắp các vùng miền gắn với nông nghiệp đều tìm đến giải pháp phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.

50-60% nông dân trồng lúa từng sử dụng thuốc trừ sâu vượt quá mức đề nghị

Đáng quan ngại, việc phun thuốc của người dân diễn ra tràn lan và không có sự kiểm soát chặt chẽ. Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng khẳng định có đến 50-60% nông dân trồng lúa đã sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức đề nghị; 38 - 70% nông dân các tỉnh phía Nam đang sử dụng thuốc trừ sâu với tỷ lệ vượt quá mức khuyến cáo. Cũng theo tổ chức này, khoảng 20% nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu vi phạm các quy định hiện hành, sử dụng thuốc trừ sâu bất hợp pháp nhập khẩu, cấm hoặc thậm chí giả mạo.

Ông Hoàng Trung: Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tác hại đến môi trường, đe dọa sức khỏe cộng đồng 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, khống chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, điều chỉnh mùa vụ và thời gian thu hoạch. Chính vì vậy, không riêng ở Việt Nam mà các nước tiên tiến trên thế giới đều phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật lớn trong nông nghiệp, sử dụng không đúng theo quy định sẽ tác hại đến môi trường, đe doạ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, hơn 10 năm qua tại những vùng canh tác lúa phun quá nhiều thuốc trừ sâu đã làm cho 90% sinh vật trong đất và nước bị triệt tiêu.

Phó GS.TS Phan Thị Sửu: Hóa chất bảo vệ thực vật đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình

PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Hội An toàn Thực phẩm Việt Nam cho rằng tất cả loại hóa chất bảo vệ thực vật đều có ảnh hưởng tới sức khỏe con người và đặc biệt nguy hại nếu sử dụng không đúng liều lượng, không đúng quy trình. Và một trong những con đường chính tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khoẻ con người là ăn các loại thực phẩm nhiễm độc từ các loại thuốc bảo vệ thực vật khi chúng đang có tồn dư thuốc, chưa đủ thời gian cách ly khi phun thuốc.

Cũng theo các chuyên gia y tế, mức độ nguy hại của thuốc bảo vệ thực vật đáng báo động bởi những hậu quả về sức khỏe của con người, đặc biệt gây ra bệnh ung thư. Nguy cơ ung thư xuất hiện ngay trong quá trình trồng trọt và chế biến thực phẩm khi sử dụng quá nhiều các thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc quá trình chế biến sử dụng hóa chất cấm, quá liều lượng các chất bảo quản, phẩm màu không an toàn. Số liệu cho thấy, hiện ung thư do di truyền chỉ chiếm tỷ lệ 5-10%, còn lại trên 75-80% là do môi trường, lối sống, trong đó có thực phẩm không an toàn, thực phẩm ô nhiễm.

Loại 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ra khỏi Danh mục

Vì lợi ích kinh tế thâm canh, tăng vụ, vì tác động của biến đổi khí hậu sâu bệnh phát triển không ít người sẵn sàng sử dụng thuốc tràn lan, phun đi phun lại, thậm chí sử dụng thuốc giá rẻ, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng và không theo nguyên tắc tiềm ẩn nhiều nguy hại khó lường. Trước thực trạng này, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Thị Bình Thuận đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp cho vấn đề này.

Trả lời đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận hiện nay vẫn còn tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định như phản ánh của Đại biểu.

Để đảm bảo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng nguyên tắc, an toàn với con người, môi trường và nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp: Rà soát, kiện toàn lại hệ thống các văn bản về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, nhằm siết chặt hơn nữa việc đăng ký, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; ưu tiên cho đăng ký các loại thuốc sinh học, thuốc thế hệ mới an toàn, ít độc, có hiệu quả, không gây ảnh hưởng đến con người, vật nuôi và môi trường để đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, trong 3 năm, từ năm 2017-2019, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời để quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và thuốc trừ cỏ nói riêng một cách hiệu quả, Bộ đã rà soát và loại ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường; trong đó có 03 hoạt chất là thuốc trừ cỏ.

Hàng năm Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc được quy định tại Điều 76 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo Hệ thống thanh tra chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương thực hiện một số giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc buôn bán, sử dụng thuốc trừ cỏ cũng như các thuốc bảo vệ thực vật khác.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật hóa học có bằng chứng khoa học ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường nhằm hoàn thiện Danh mục bảo vệ thực vật với các thuốc thế hệ mới, thuốc có nguồn gốc sinh học. Đổi mới cơ cấu các nhóm thuốc trong danh mục, tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30% trong năm 2020. Siết chặt tất cả các khâu về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật: từ cấp giấy phép khảo nghiệm, thực hiện khảo nghiệm, đánh giá để đưa vào Danh mục.

Thay đổi thói quen sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường

Để đánh giá và giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phan Thị Bình Thuận về vấn đề này:

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận: Người dân cần thay đổi thói quen sản xuất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vậy xuất phát từ thực tế nào, đại biểu đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng về nội dung này?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt những năm trở lại đây, nước ta nhập về với số lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra lực lượng chức năng cũng liên tục phát hiện và thu giữ số lượng lớn thuốc không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, trong khi đó, vẫn còn tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đúng quy cách. Thực tế này đã và đang khiến cho môi trường xuống cấp nhanh chóng, tàn phá nghiêm trọng đất đai, đồng ruộng, môi trường. Đáng lo ngại khi các loại thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng thì các sản phẩm nông nghiệp dễ dẫn đến dư thừa lượng hóa chất, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng. Từ những lý do này tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp cho vấn đề này.

Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời chất vấn đại biểu. Vậy quan điểm của đại biểu như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận và thừa nhận thực trạng vẫn còn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, tôi đánh giá cao ngành nông nghiệp thời gian qua đã loại 14 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở nước ta, đồng thời đưa ra những giải pháp tăng tỷ lệ thuốc sinh học và siết chặt tất cả các khâu về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra rất quyết liệt, hướng tới nền nông nghiệp an toàn hơn, tuy nhiên để triển khai hiệu quả vấn đề này cần sự vào cuộc quyết tâm cao hơn nữa của các bộ ngành chức năng như Bộ Nông nghiệp tuyên truyền và có giải pháp để kiểm soát được người dân mua, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan; ngành Công thương, Hải quan, Công an kiểm tra kiểm soát chặt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật về nước ta…

Phóng viên: Sau hơn một năm chất vấn, đến nay vấn đề đại biểu quan tâm đã có sự chuyển biến như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Bài toán kinh tế mùa vụ vẫn đang là sức ép lớn khiến nông dân tiếp tục phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng tràn lan để có năng suất cao. Tuy nhiên, chúng ta đã phải chịu hệ quả từ vấn đề này. Đơn cử, mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Thái Lan đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi của Việt Nam. Vì vậy, một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của nước ta sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này. Campuchia cũng trả lại lô hồ tiêu của Việt Nam do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng. Trước đó, vào tháng 6/2020, Campuchia buộc phải cấm nhập khẩu 6 loại rau, củ từ Việt Nam bao gồm bắp cải, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ khi vẫn còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điều này minh chứng rõ nét nhất cho tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan của một bộ phận nông dân nước ta vẫn còn diễn ra. Song đáng quan ngại, hệ luỵ của vấn đề này không chỉ là không xuất khẩu được hàng hoá, uy tín hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới bị suy giảm mà nhiều hệ luỵ khác đang đe doạ như một nền nông nghiệp thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng.

Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để hạn chế tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường?

Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Trước hết theo tôi cần đẩy mạnh tuyên truyền để các giải pháp của ngành nông nghiệp đưa ra thực sự hiểu quả, nhất là các giải pháp nhằm hạn chế tối đa nguy cơ phơi nhiễm, ngộ độc từ thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm và đòi hỏi khắt khe về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức của người dân trong sản xuất an toàn. Chú trọng tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sản xuất, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất mô hình sinh thái hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ giống, vật tư sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tới chế biến để đảm bảo quy trình sản xuất khép kín. Đồng thời tuyên truyền sâu rộng để người dân nhận thức được hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường, sức khỏe để từ đó nâng cao ý thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Mặt khác, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu và loại bỏ tiếp các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại ra khỏi danh mục, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới an toàn. Kiểm soát tốt hơn nữa việc sản xuất, nhập khẩu, mua bán và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Thuốc Bảo vệ thực vật luôn đóng vai trò quan trọng sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất cây trồng, ngăn chặn dịch hại, góp phần đưa nền nông nghiệp đất nước phát triển, đạt hàng chục tỷ USD xuất khẩu mỗi năm. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt tích cực thì việc lạm dụng sử dụng bừa thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy cách đã và đang để lại những hệ quả tiêu cực nghiêm trọng. Các nhà chuyên môn khuyến cáo chỉ nên sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật. Đồng thời, khi sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc vệ sinh an toàn lao động. Nắm rõ nguyên tắc "bốn đúng": đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc, đúng cách./.

Lê Phương