Ngày 07/12/2020 Bộ Công thương ban hành Công văn số 9388/BCT-XNK trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn nhất hiện nay là các mặt hàng nông sản của chúng ta tuy đầy tìm năng nhưng chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của nông sản còn yếu kém về chất lượng và cả giá thành sản xuất cao rất khó cạnh tranh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tế nào tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu lại có phiếu chất vấn đối với Bộ Công thương về xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Từ thực tế lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị cử tri; kết quả giám sát việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”, tôi thấy rằng việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam trong thời gian quan gặp rất nhiều khó khăn, còn bị động và thiếu bền vững. Mặc dù, nước ta đã tham gia ký kết nhiều FTA, nhưng doanh nghiệp và nông dân vẫn còn chưa tiếp cận đầy đủ từ quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đến các thủ tục pháp lý đáp ứng theo yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... Nhiều lô hàng nông sản bị trả lại do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng hoặc vướng các rào cản kỹ thuật từ quốc gia nhập khẩu.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẽ, thiếu liên kết gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cũng như đáp ứng đủ số lượng cho yêu cầu xuất khẩu. Do đó, để hàng hóa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên thì vai trò của Ngành Công thương là cực kỳ quan trọng trong việc triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, kịp thời thông tin đến người dân, doanh nghiệp nắm để chủ động sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho phù hợp.
Phóng viên: Bộ Công thương đã có Công văn số 9388/BCT-XNK trả lời chất vấn của đại biểu. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Về cơ bản tôi đồng tình với ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương. Bộ trưởng đã nhìn nhận và đánh giá được thực trạng cũng như chỉ ra những điểm nghẽn, những mặt hạn chế của việc xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của nước ta thời gian qua. Một trong những khó khăn được chỉ ra dó là, mặc dù ta đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan nhập khẩu vào các nước tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa của ta tiếp cận thị trường, tuy nhiên công tác đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng hàng của ta vẫn chưa thâm nhập được. Đồng thời, Bộ trưởng có đưa ra những giải pháp để triển khai thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Bộ trưởng có nhấn mạnh một số giải pháp như: Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết;…; Tiếp tục đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền phổ biến thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng dưới nhiều hình thức khác nhau; …
Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào về những giải pháp Bộ đã và đang triển khai nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi cho rằng những giải pháp của Bộ Công thương đã và đang triển khai thời gian qua là khá toàn diện, nếu được tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt sẽ góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các mặt hàng nông thủy sản nước ta có điều kiện bức phá thâm nhập được vào thị trường các nước. Nông nghiệp là lĩnh vực nước ta có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển và có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế -xã hội, vì vậy việc tiếp tục tháo gỡ những khó khăn nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản là vô cùng cấp thiết. Trong bối cảnh mở cửa thị trường tối đa về mặt thuế quan như hiện nay, khi các giải pháp liên quan đến mở cửa thị trường về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hàng hóa phát huy tác dụng, hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ ghi nhận những bứt phá mới trong xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào cơ cấu xuất khẩu chung của cả nước.
Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu trong bối cảnh hiện nay bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì đâu là khó khăn cần nhận diện để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông, thủy sản đạt kỳ vọng?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Theo tôi bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn nhất hiện nay là các mặt hàng nông sản của chúng ta tuy đầy tìm năng nhưng chưa đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường xuất khẩu. Năng lực cạnh tranh của nông sản còn yếu kém về chất lượng và cả giá thành sản xuất cao rất khó cạnh tranh. Do đó, tôi cho rằng trước mắt cần tập trung tuyên truyền, khuyến khích nông dân, các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh nông sản phải tuân theo tiêu chuẩn đòi hỏi của các quốc gia nhập khẩu; có chính sách hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tạo dựng uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần có chiến lược quảng bá, giới thiệu các mặt hàng nông sản trên thị trường quốc tế. Qua đó xác định cho được trường tiêu thụ ở đâu, những mặt hàng chủ lực nào là thế mạnh để phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các vùng sản xuất tập trung, bảo đảm về chất lượng và đủ số lượng để cung ứng cho thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ sản xuất, vận chuyển để hỗ trợ xuất khẩu nhất là các khu sản xuất, chế biến quy mô lớn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!