Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế khóa XV có 07 đại biểu gồm có: 03 đại biểu đang công tác tại địa phương và 04 đại biểu đang hoạt động ở Trung ương.
Nhìn chung, năm 2023, với tinh thần trách nhiệm cao, hoạt động của các ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn; chất lượng vào các dự thảo, dự án luật đã được tham gia với chiều sâu, sát với thực tiễn. Công tác giám sát ngày càng được chú trọng, nhiều nội dung kết luận giám sát đã được các cơ quan hành pháp và tư pháp nghiêm túc thực hiện, thể hiện sự tôn trọng, cầu thị trong thực thi công vụ. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã được quan tâm đáp ứng được nhu cầu theo dõi, giám sát của người dân. Công tác tiếp xúc cử tri ngày càng đi vào nề nếp, mở rộng nhiều loại hình tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Có được những kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Đảng Đoàn Quốc hội, UBTVQH, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế trong viêc thực hiện các chương trình, kế hoạch trong năm 2023. Các ĐBQH trong Đoàn đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu thông tin phục vụ cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát. Chủ trương đổi mới trong tất cả các hoạt động của Quốc hội đã mang lại hiệu quả tích cực, nhân dân và cử tri ngày càng tin tưởng vào sự đổi mới cũng như tính hiệu quả thiết thực của Quốc hội, UBTVQH và các Đoàn ĐBQH tại các địa phương. Bên cạnh đó, sự tham mưu chủ động, tích cực của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế trong công tác tham mưu, giúp việc đối với các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, ĐBQH.
Công tác lập pháp đảm bảo chất lượng, đồng bộ, thống nhất, sát thực tiễn
Căn cứ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và Chương trình công tác của Đoàn ĐBQH tỉnh; trong năm, Đoàn ĐBQH, các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành kế hoạch công tác lập pháp bảo đảm chất lượng, với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự án Luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đồng thời, thực hiện lấy ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản với các cơ quan, tổ chức cá nhân, đối tượng chịu sự tác động của luật đối với 26 dự án luật được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ năm, thứ sáu, Quốc hội khóa XV, qua đó đã góp phần cho các dự án luật đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và sát thực tiễn hơn, tăng tuổi thọ các luật, góp phần quan trọng trong thành công chung hoạt động lập pháp của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ năm, thứ 6, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã tham gia 51 lượt phát biểu tại các buổi thảo luận tại tổ và hội trường. Những nội dung tham gia của các ĐBQH đã góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Đổi mới để triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát, khảo sát
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để triển khai có hiệu quả, đầy đủ các hoạt động giám sát, khảo sát
Cùng với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát là một điểm nhấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2023. Đoàn ĐBQH tỉnh không ngừng đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức để triển khai có hiệu quả, đầy đủ các hoạt động giám sát, khảo sát trên tất cả các phương diện phù hợp với tình hình thực tế. Tại các kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã giám sát hoạt động của cơ quan trong bộ máy Nhà nước thông qua việc xem xét các báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” tại Kỳ họp thứ năm và giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” tại Kỳ họp thứ 6.
Chuẩn bị cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 21, Phiên họp thứ 25 của UBTVQH, Kỳ họp thứ năm, thứ sáu Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, lựa chọn những vấn đề thiết thực, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được cử tri nhiều vùng quan tâm, tổng hợp gửi Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện chất vấn. Tại Kỳ họp thứ 5, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã chất vấn 03 Bộ trưởng liên quan đến việc mở rộng các tuyến cao tốc đi quan địa bàn tỉnh, phát triển dịch vụ logictis đường thủy...
Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã xây dựng và triển khai 04 chuyên đề giám sát theo chỉ đạo của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Qua giám sát, Đoàn đã nêu lên những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các lĩnh vực giám sát, qua đó giúp các đơn vị phát huy những kết quả tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo điều hành của địa phương, đơn vị trong lĩnh vực quản lý. Sau các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển 87 ý kiến, kiến nghị trong đó có 63 ý kiến gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và 24 ý kiến gửi đến UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị hữu quan xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Nhìn chung, các hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã được thực hiện theo Chương trình, Kế hoạch đề ra. Sau các đợt giám sát, khảo sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đều có văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật… Ngoài những hoạt động giám sát trực tiếp của Đoàn, các ĐBQH còn chủ động bố trí thời gian kiểm tra, giám sát, khảo sát các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, các dự án của các bộ, ngành Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của các kỳ họp
Tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao. Tại kỳ họp này, các ĐBQH trong Đoàn đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp, cụ thể: Xem xét, thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quyết định về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạnh theo quy định của Luật Dược....
Tại kỳ họp bất thường lần thứ ba, thứ tư, Quốc hội khóa XV: Xem xét, quyết định công tác nhân sự theo quy trình, thủ tục đúng quy định.
Tại kỳ họp thứ năm, thứ sáu Quốc hội khóa XV, các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 2023.
Bên cạnh đó, các ĐBQH đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như: Ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế đạt thấp; kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm; rủi ro nợ xấu gia tăng; thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ năm trước; phân bổ, giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa đạt mục tiêu; sản xuất, đời sống của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, an ninh kinh tế - xã hội, an ninh nông thôn có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp… Trong bối cảnh đó, tại Kỳ họp thứ năm, thứ sáu, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Về công tác lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ được tiến hành khách quan, khoa học theo đúng quy định cửa pháp luật, các ĐBQH trong Đoàn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, vô tư, đánh giá khách quan các kết quả hoạt động của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả của việc lấy phiếu đã đánh giá rõ, khách quan quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri diễn ra thường xuyên, kịp thời lắng nghe, giải quyết kiến nghị của cử tri
Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tiếp xúc cử tri tại nhiều điểm, thường xuyên lắng nghe ý kiến, giải trình và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch tiếp công dân và phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc tiếp công dân định kỳ tại các địa phương và Trụ sở tiếp công dân của tỉnh 24 lượt với hơn 140 lượt công dân tham dự. Ngoài việc tổ chức tiếp công dân định kỳ tại các huyện, thị xã và thành phố, Đoàn ĐBQH tỉnh còn thường xuyên tiếp công dân tại trụ sở làm việc của Đoàn.
Thông qua hoạt động tiếp công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND tỉnh giải thích và hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật, đồng thời thúc đẩy giải quyết hiệu quả các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của người dân.
Năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại 12 điểm và 02 buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, người lao động và tiếp xúc chuyên đề về Bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh với hơn 3.000 lượt cử tri tham dự và có hơn 400 ý kiến tham gia. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo các nội dung, chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri đồng thời tiếp thu, giải trình và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản chuyển các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp và chuyển 28 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để xem xét, giải quyết.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã tổng hợp và chuyển các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ, ngành đến các địa phương và các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh để theo dõi, thực hiện và thông tin đến người dân. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh có văn bản gửi các sở, ban ngành, của tỉnh nghiên cứu, rà soát những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình chỉ đạo điều hành hoạt động chuyên môn của sở, ngành; kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các chính sách, pháp luật.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình có người tử vong do mưa lũ
Tùy theo tình hình thực tế, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức làm việc với UBND tỉnh, cấp huyện, một số sở, ban ngành trong thời gian trước các kỳ họp Quốc hội để nắm tình hình thực hiện chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giúp ĐBQH có cơ sở tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, thu thập ý kiến, kiến nghị của các cấp, các ngành để tổng hợp, kiến nghị đến UBTVQH, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN các cấp, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể… tổ chức để nắm bắt tình hình; thực hiện công tác an sinh xã hội; tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viên người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh./.