ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC QUỐC HỘI GIÁM SÁT TẠI HUYỆN NGÂN SƠN VÀ HUYỆN BA BỂ

03/04/2018

Ngày 02/4, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Trưởng đoàn đã đi giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2010 – 2017 tại hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể.

Quang cảnh buổi giám sát

Tham gia đoàn giám sát, về phía tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh; Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Theo báo cáo, đến năm 2017, toàn huyện Ngân Sơn có 34 trường với hơn 7.000 học sinh, tăng 01 trường mầm non, giảm 01 trường tiểu học do sáp nhập, tăng 03 trường Phổ thông dân tộc bán trú, giảm 01 trung  tâm so với năm 2010. Về chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số theo Quyết định 1210/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ngân Sơn đã thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị nhà bếp nhà ăn khu nội trú hỗ trợ các trường Phổ thông Dân tộc bán trú trên toàn huyện, sửa chữa cải tạo phòng học, nhà nội trú nhà bếp, nhà ăn các trường có học sinh bán trú với tổng số tiền trên 650 triệu đồng. Thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, huyện đã kiên cố hóa được 33 phòng học, 63 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí  trên 6,5 tỷ đồng. Đề án đầu tư, hỗ trợ hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú theo quyết định số 1640/QĐ-TTg đã đầu tư xây dựng 16 phòng ở ký túc xá, 5 phòng công vụ… với tổng kinh phí gần 8,8 tỷ đồng. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, cấp học bổng chính sách và các chế độ hỗ trợ khác cho học sinh được thực hiện đúng quy định. Giai đoạn từ 2010 đến năm 2017 toàn huyện có 23 người được cử đi học cử tuyển đã tốt nghiệp.  

Đối với huyện Ba Bể, đến nay toàn huyện có 44 trường học với gần 9.700 học sinh. Trong đó số trẻ đến trường mầm non được an toàn đạt tỷ lệ 100%, số trẻ được ăn bán trú tại trường đạt 72%. Thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, huyện đã xây dựng được 7 phòng học mới với kinh phí trên 8 tỷ đồng, kiên cố hóa được 27 phòng học với tổng kinh phí gần 14,7 tỷ đồng. Thực hiện đề án đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường Phổ thông dân tộc nội trú đã xây dựng được 8 phòng học và các hạng mục đi kèm với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng. Chính sách đối với giáo viên, chính sách cử tuyển và các chính sách khác được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Đại diện lãnh đạo huyện Ngân Sơn và Ba Bể cho biết: việc thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh còn nhiều bất cập như kinh phí vận chuyển gạo đến các điểm trường khá lớn, huyện đề nghị thay vì hỗ trợ gạo cho học sinh thì chuyển kinh phí bằng tiền mặt để các trường mua gạo tại chỗ sẽ tiết kiệm được kinh phí. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình trường Dân tộc Bán trú. Còn khó khăn trong việc đưa học sinh lớp 4,5 ra trường chính, vẫn còn lớp ghép 3 trình độ, đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn…

Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã đánh giá cao sự nỗ lực của 02 huyện Ngân Sơn và Ba Bể trong việc thực hiện các chính sách giáo dục đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, việc chăm lo cho giáo dục vùng sâu, vùng xa và các điểm trường. Đồng chí cho rằng hai huyện đã triển khai các chính sách đối với dân tộc miền núi khá toàn diện và đạt kết quả khá tốt, tuy nhiên còn có những bất cập cần bổ sung thêm như các chính sách đối với học sinh, giáo viên và các trường bán trú hiện nay, chính sách học tiếng dân tộc cần có điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với địa phương.

Nhân dịp này, Đoàn giám sát đã tặng 20 suất quà cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn hai huyện Ba Bể và Ngân Sơn./.

(Truyền hình Bắc Kạn)