Tiếp Đoàn giám sát, về phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Duy Chinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bắc Kạn; đồng chí Lý Thái Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Hà Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khái quát chung về tình hình phát triển giáo dục trong tỉnh giai đoạn 2010-2017.
Theo báo cáo, hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 123 trường mầm non, 104 trường tiểu học, 77 trường THCS, 25 trường Tiểu học và THCS, 15 trường THPT, 6 trung tâm giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp. trong những năm qua tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền quán triệt và chỉ đạo triển khai kịp thời thực hiện về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, về chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo kịp thời và mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân.
Về thực hiện Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 05/09/2012, kết quả xây mới 8 phòng học văn hóa, 7 phòng học bộ môn, hỗ ttợ cơ sở vật chất cho trường THPT Chuyên nhà nội trú với 16 phòng, trường Cao đẳng Cộng đồng 26 phòng học mới và 01 phòng học bộ môn hoàn thành xây dựng mới 01 trường Phổ thông Dân tộc nội trú với tổng kinh phí thực hiện 166 tỷ 463 triệu đồng.
Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2012-2015 và lộ trình đến năm 2020 theo Quyết định số 1625/QQĐ-TTg ngày 11/09/2014. Trong giai đoạn 2008-2012, tỉnh thực hiện kiên cố hóa được 356 phòng học và 534 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí 187 tỷ 205 triệu đồng. Giai đoạn 2016-2020 tỉnh được cấp nguồn kinh phí thực hiện kiên cố hóa 112 phòng học mầm non, 53 phòng học tiểu học với tổng kinh phí 116 tỷ đồng.
Đề án đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg Ngày 21/09/2011, kết quả thực hiện xây mới 8 phòng học, 7 phòng học bộ môn, 48 phòng ở nội trúvà 25 phòng khác với tổng kinh phí thực hiện 56 tỷ, 379 triệu đồng.
Đề án phổ cập cho trẻ em 5 tuổi theo Quyết định số 239/2010/QĐ-TTg ngày 09/02/2010, theo đó tỉnh Bắc Kạn được công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi năm 2015. 118/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. 100% xã đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục Tiểu học mức độ 2 trở lên. 121/122 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục THCS.
Đối với chính sách hỗ trợ trực tiếp với người học, cấp học bổng chính sách cho 26.752 học sinh với tổng số tiền 99 tỷ 975 triệu đồng. Các chế độ hỗ trợ khác cho 22.823 học sinh với tổng kinh phí 18 tỷ 491 triệu đồng. Thực hiện Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016 hỗ trợ tiền ăn cho 24.851 học sinh với tổng kinh phí 69 tỷ 663 triệu đồng. Hỗ trợ tiền nhà ở cho 15.116 học sinh với tổng kinh phí 12 tỷ 93 triệu đồng.trợ gạo cho 24.851 học sinh với tổng kinh phí 19 tỷ 965 triệu đồng. Mua sắm hỗ trợ các trường Phổ thông Dân tộc Bán trú với tổng kinh phí 7 tỷ 705 triệu đồng…
Vấn đề cử tuyển trong giai đoạn từ 2010 đến năm 2013 toàn tỉnh có 76 học sinh đi học cử tuyển, từ năm 2014 đến nay không tuyển sinh đào tạo theo chế độ cử tuyển. Chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn các chính sách đảm bảo đúng đối tượng, đảm bảo kịp thời, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho giáo viên…
Đoàn giám sát đã tìm hiểu sâu các nội dung về các mô hình bán trú, nội trú để phù hợp với miền núi cần thực hiện những nội dung gì. Mô hình giáo dục thường xuyên, mô hình Trung tâm học tập cộng đồng có thực chất đi vào hoạt động không. Chế độ cử tuyển, vấn đề nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, có nên ưu tiên chính sách tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số. Vấn đề dạy tiếng dân tộc thiểu số cho con em các dân tộc nên thực hiện như thế nào, vấn đề dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non 5 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Vấn đề đưa học sinh ra các trường chính, vấn đề cơ sở vật chất ở các điểm trường lẻ. Phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, sau khi tốt nghiệp THPT. Trên toàn tỉnh có bao nhiêu trường đạt bán trú trên toàn tỉnh. Vấn đề ghép chỗ ở nội trú đối với học sinh tiểu học, THCS. Kế hoạch trong thời gian tới tỉnh có cơ chế chính sách thu hút con em người dân tộc thiểu số học giỏi về công tác tại địa phương. Chính sách miễn giảm học phí cho học sinh vùng khó khăn, cần đề xuất thêm những nội dung nào. Vấn đề tín dụng cho học sinh, sinh viên, số lượng học sinh, sinh viên vay vốn trong đó số lượng học sinh dân tộc thiểu số được vay là bao nhiêu. Tình hình thu hồi nợ còn gặp khó khăn không. Mức vay như vậy như vậy có phù hợp không và cần sửa đổi như thế nào. Vấn đề phòng học nhờ, phòng học mượn và phòng học tạm. Vấn đề lương giáo viên, thực hiện lựa chọn sách giáo khoa…
Tỉnh Bắc Kạn đã có những kiến nghị như có chính sách thu hút cho cán bộ giáo viên về công tác tại vùng ATK. Có cơ chế đầu tư cho cơ sở vật chất, trường học còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất các trường xuống cấp, trong khi nhiệm vụ đổi mới giáo dục là thường xuyên nên khó khăn trong công tác triển khai đổi mới giáo dục. Vấn đề trường bán trú có nên nhập vào hệ thống trường nội trú. Trung tâm Học tập cộng đồng chưa phát huy được hiệu quả cần có những nội dung hoạt động phù hợp, thiết thực. Các trường hợp cử truyển nên cộng ưu tiên trong tuyển dụng và phải qua thi sát hạch. Bộ cần có chương trình chuẩn về quy định tiếng dân tộc. Cần có cơ chế tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chưa có cán bộ người dân tộc thiểu số, tùy từng dân tộc, tùy từng ngành nghề để tuyển dụng phù hợp. Chất lượng giáo viên còn nhiều bất cập.Trường đạt chuẩn Quốc gia đối với miền núi rất khó khăn. Cần tiếp tục thực hiện các chính sách để học sinh người dân tộc thiểu số vùng khó khăn có điều kiện đến trường…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội tiếp thu những kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn trong thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Qua kết quả giám sát các chính sách được tỉnh Bắc Kạn tổ chức thực hiện, triển khai nghiêm túc kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương. Mặc dù còn khó khăn nhưng tỉnh Bắc Kạn đã ban hành một số Chỉ thị, Nghị quyết, đề án quyết định áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả. Đặc biệt công tác xóa mù chữ, tỉ lệ huy động học sinh đến lớp đạt cao. Kết quả thi tốt nghiệp, thi vào đại học cao đẳng đạt khá. Chính sách đối với giáo viên, học sinh được triển khai đầy đủ và phát huy hiệu quả. Tỉnh quan tâm đến giáo dục thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh quan đó góp phần thực hiện mục tiêu đại đoàn kết các dân tộc. Các vấn đề kiến nghị đều có những minh chứng thực tế phong phú. Tuy nhiên, còn có những hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên còn thấp…
Về các ý kiến, kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với các địa phương trong toàn quốc. Trong vùng dân tộc thiểu số cần cơ cấu đội ngũ cán bộ hợp lý, có chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với cán bộ người dân tộc thiểu số, đầu tư các trường Dân tộc nội trú đạt chuẩn, quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các trường bán trú và các trường có học sinh bán trú, xem xét thành lập trường bán trú với cấp THPT, vấn đề dạy tiếng dân tộc cho học sinh. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đề nghị tỉnh xem xét, điều chỉnh, thu hẹp các điểm trường, tăng số học sinh bán trú gắn với việc bố trí dân cư. Đồng thời bổ sung hoàn thiện báo cáo về phân luồng học sinh, kết quả đạt được so với mục tiêu của đề án tỉnh đã xây dựng, những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện./.