PHIÊN HỌP THỨ NHẤT ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2012-2018”

12/11/2018

Chiều ngày 12/11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018” họp Phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự phiên họp có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến – Trưởng đoàn Giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh – Phó trưởng đoàn Giám sát cùng các thành viên đoàn Giám sát.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: Ngày 13/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 574/2018/UBTVQH14 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018” và kế hoạch giám sát.

Quang cảnh Phiên họp.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát sẽ xem xét, đánh giá việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018; Đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc đồng thời xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật; Đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mực tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi…

Đoàn giám sát sẽ thành lập 3 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tổ chức các hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia và đối thoại với các bộ ngành Chính phủ để giải trình làm rõ những nội dung giám sát nhằm xây dựng, hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để Báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu chỉ đạo Đoàn giám sát.

Phát biểu chỉ đạo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định: Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay, nguồn lực phục vụ các chính sách cho đồng bào được đảm bảo. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng còn lớn. Một số đồng bào còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Khẳng định trách nhiệm lớn lao của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Đoàn giám sát cần làm rõ những chính sách về dân tộc có vướng mắc, chồng chéo không? Xác định các đối tượng hỗ trợ có đúng không? hiệu quả của việc hỗ trợ, vay vốn giảm nghèo, đầu tư cho hạ tầng? Đoàn giám sát cần đi vào chi tiết các nội dung cần giám sát. Ngoài ra, chất lượng phổ cập giáo dục tại các vùng dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển dành cho đồng bào có còn phù hợp? Đoàn Giám sát cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, các chính sách có đi vào cuộc sống của đồng bào.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Đoàn giám sát cần lồng ghép việc giám sát hoạt động của HĐND tại địa phương; tăng cường đối thoại với các bộ ngành Chính phủ để giải trình làm rõ những nội dung Đoàn giám sát…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến – Trưởng đoàn Giám sát phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu và đóng góp ý kiến để hoàn thiện bản Kế hoạch giám sát chi tiết. Đề nghị tổ giúp việc tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu, khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch giám sát chi tiết để ký ban hành theo quy định.

Tại phiên họp, các thành viên đoàn Giám sát đã thảo luận về thời gian triển khai các hoạt động, như thời gian yêu cầu các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát gửi báo cáo đến Đoàn giám sát, thời gian làm việc của Đoàn giám sát với các bộ, ngành trước khi tiến hành giám sát tại các địa phương, thời gian Đoàn giám sát họp phiên thứ hai, thứ ba, thời gian làm việc với Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, thời gian các Đoàn tiến hành giám sát tại các địa phương, thời gian tổ chức hội thảo… Về địa bàn giám sát, việc lựa chọn các tỉnh, huyện đến giám sát và về tổ chức hội thảo cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả giám sát; về việc sắp xếp thành viên đoàn công tác, đại biểu mời, nhóm giúp việc…

Trọng Quỳnh