ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG LÀM VIỆC VỚI UBND HUYỆN ĐĂK GLEI, KON TUM

21/03/2019

Sáng 21/3, Đoàn giám sát của UBTVQH do Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND huyện Đắk Glei, Kon Tum về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 - 2018.

Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei Đỗ Sum cho biết, việc triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng mục tiêu của Chương trình đề ra. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2015, tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện đã vượt kế hoạch so với mục tiêu đề án; bình quân hộ nghèo giảm 8,06%/năm. Trong giai đoạn 2016 - 2018, các mục tiêu giảm nghèo của huyện đã đạt kết quả so với mục tiêu đề ra, với tỷ lệ hộ nghèo bình quân/năm giảm 5,62%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 10,70%. Đầu năm 2018, huyện có 2/11 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, 19 thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến phát biểu tại buổi giám sát

Qua hai giai đoạn triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ cơ bản đã đạt một số kết quả nhất định, giúp cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương còn gặp khó khăn trong xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei nêu ra một số nguyên nhân khiến kết quả công tác giảm nghèo thời gian qua chưa thực sự bền vững như: các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; nhân dân sản xuất theo phương thức cũ và chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo với định mức còn thấp, chưa tác động và góp phần nâng cao thu nhập cho người nghèo, vì vậy, nhiều hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo. Các chính sách, dự án giảm nghèo còn đầu tư dàn trải, có những bất cập nhất định, chưa có sự gắn kết, lồng ghép hiệu quả cao giữa một số chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với chương trình giảm nghèo bền vững. Kiến nghị một số giải pháp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei đề nghị, điều chỉnh mức vốn vay ưu đãi hỗ trợ về nhà ở đối vơi hộ nghèo; sớm có văn bản hướng dẫn tiếp tục triển khai thực hiện các nhóm chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; giáo dục - đào tạo, nhà ở, nước sinh hoạt và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác... 

Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của cấp ủy địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững và cho rằng, huyện Đắk Glei hội tụ ba yếu tố: biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và theo tôn giáo cao. Vì vậy, địa phương có nhiều thách thức hơn là cơ hội trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ ra một số hạn chế khác như: nhận thức của người dân về chính sách giảm nghèo chưa cao, nhiều người có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách, chưa chịu phấn đấu vươn lên thoát nghèo hay phương thức sản xuất lạc hậu, chậm chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng... Đây là nguyên nhân chủ quan khiến kết quả giảm nghèo của địa phương chưa bền vững và thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Các thành viên Đoàn giám đề nghị, lãnh đạo UBND huyện Đắk Glei đánh giá sâu sắc hơn về hiệu quả của chính sách giảm nghèo bền vững hiện nay; các nguồn lực khác được huy động nhằm hỗ trợ cho người nghèo; những vướng mắc, chồng chéo về mặt pháp lý trong thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững; đồng thời, cần đề xuất, kiến nghị cụ thể với Trung ương nhằm kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp và hiệu quả hơn.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)