Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình
Tham dự Phiên giải trình còn có: Phó Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Phó Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu các tỉnh Lai Châu, Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang…; đại diện lãnh đạo địa phương của một số tỉnh, thành trong cả nước.
Về phía cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải trình có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện Ngân hàng chính sách xã hội.
Phát biểu khai mạc Phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu rõ, phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn” nhằm phục vụ cho việc hoàn thiện báo cáo giám sát chuyên đề của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, hoạt động này cũng cung cấp thêm thông tin, những luận chứng làm cơ sở cho các đại biểu thành viên Hội đồng Dân tộc thực hiện thẩm tra Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, do Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho biết, Phiên giải trình sẽ đánh giá thực trạng triển khai, thực hiện chính sách; đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở đó xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác này và kiến nghị, đề xuất các giải pháp giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 – 2018, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì tổ chức trên 30 đoàn công tác liên ngành,16 cuộc thanh tra tình hình thực hiện chính sách dân tộc trong đó có nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia cùng đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiểm tra tình hình thu hồi đất của các nông lâm trường cho người dân tộc thiểu số nghèo chưa có và thiếu đất sản xuất tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La. Mặc dù đã có nhiều chương trình dự án thực hiện các chính sách có liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước nhưng do nguồn lực rất hạn chế nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành. Do thiếu vốn và phân bổ vốn kéo dài từ năm 2008 nên hiện nay còn 156 dự án định canh định cư tập trung chưa triển khai và đang thực hiện dở dang.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng nêu rõ, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan tổng hợp nhu cầu, kế hoạch theo các Đề án của các địa phương. Tuy nhiên còn thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, mang tính liên tục, kịp thời để phục vụ mục tiêu theo dõi, quản lý và tham mưu chính sách. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách chưa thực sự được sát sao.
Trên cơ sở các báo cáo tại phiên giải trình, đại biểu Quốc hội Quàng Văn Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đặt ra vấn đề, tại sao nhiều tên dân tộc vẫn còn chưa được viết chính xác, thậm chí ngay những tỉnh có người dân tộc sinh sống cũng chưa có số liệu thống kê chính xác về các dân tộc đó?
Đại biểu Quàng Văn Hương nêu ra vấn đề
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, vấn đề đại biểu chỉ ra là hoàn toàn đúng. Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với một số Bộ, ngành và các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trình Thủ tướng Chính phủ về ban hành văn bản điều chỉnh kỹ thuật một số vấn đề liên quan đến tên gọi, danh mục các dân tộc đảm bảo sự đồng thuận và hiệu lực hiệu quả của văn bản. Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc cũng tiếp thu ý kiến đại biểu và làm sâu sắc hơn nội dung này trong chương trình bồi dưỡng kiến thức kỹ năng dân tộc cho các cán bộ làm công tác dân tộc.
Đại biểu Đinh Duy Vượt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị các Bộ, ngành cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa đạt hiệu quả. Cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân chính, giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng này?
Đại biểu Tống Thanh Bình- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho biết, qua giám sát và thực tế cho thấy, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt ở vùng dân tộc thiểu số có chiều hướng gia tăng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Vậy trách nhiệm của cơ quan chủ quản ra sao?
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan làm rõ sự phối hợp với Ủy ban Dân tộc trong việc xây dựng chính sách và phân bổ nguồn lực, kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngay sau khi Chương trình được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trả lời vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thừa nhận mặc dù nhiều chính sách đưa ra nhưng tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt ở vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do vốn cấp chưa đủ theo kế hoạch nên quá trình thực hiện các chính sách còn tồn tại; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng và phân bổ nguồn lực; kiểm tra đánh giá chính sách chưa được chặt chẽ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham gia giải trình
Tham gia làm rõ một số vấn đề tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2012-2018, ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương, việc thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn được quy định cụ thể tại một số quyết định và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Mặc dù đã tập trung bố trí nguồn lực nhưng ngân sách nhà nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, định mức hỗ trợ còn thấp so với giá thực tế thị trường.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết thêm, các chương trình, chính sách đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp, ngành triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Tuy nhiên, các chính sách pháp luật về việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, thiếu đồng bộ thường lồng ghép chung với chính sách giảm nghèo và dạy nghề. Hiệu quả tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; các dự án cho vay vốn tạo việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu làm tăng thêm thời gian lao động.
Kết luận Phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá cao Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã trách nhiệm, tích cực, nỗ lực, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai việc thực hiện chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, đề nghị Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc các kiến nghị đưa ra tại Phiên giải trình để chính sách này phát huy hiệu quả một cách cao nhất./.