THẨM TRA BÁO CÁO ĐỀ XUẤT CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ GIẢM NGHÈO, AN SINH XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

14/06/2021

Ngày 14/6, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng Dân tộc tổ chức Hội nghị thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cùng một số thành viên Hội đồng Dân tộc và các chuyên gia.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Dân tộc, chuyên gia đều ghi nhận những thành quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần làm cho bộ mặt của thôn được khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn...

Phát huy những thành quả đã đạt được, các đại biểu cũng cho rằng, để 2 chương trình thực sự hiệu quả, đến đúng đối tượng được thụ hưởng và đạt được những mục tiêu đề ra thì trong giai đoạn 2021-2025 cần phải có những đề xuất, giải pháp thiết thực hơn.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng cần chú trọng bảo đảm chính sách dân tộc. Theo đó, hộ dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đối tượng ưu tiên hưởng lợi từ chương trình.

Đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, phải thông qua các cơ chế như phát huy sự tham gia của hộ nghèo là người dân tộc thiểu số trong quá trình xác định ưu tiêu khi lập kế hoạch, ưu tiên các công trình có nhiều người dân tộc thiểu số là đối tượng hưởng lợi; ưu tiên người dân tộc thiểu số tham gia hoạt động được trả công; và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế đặc thù. Trong đó, người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia vào các nhóm cộng đồng tự thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng.

Cụ thể, chương trình thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, công trình liên xã, công trình cấp huyện phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Địa bàn đầu tư dự kiến là 70 huyện nghèo (phần lớn các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) thuộc các huyện nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn huyện chủ yếu là người DTTS). Công trình đầu tư là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, nước sạch và các công trình thiết yếu khác.

Đối tượng thụ hưởng là người dân nói chung, trong đó có người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin và các công trình thiết yếu khác phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất.

Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số làm chủ hộ, hộ DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế và xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo nông nghiệp, phi nông nghiệp, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và các địa bàn khác, trừ địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dự án được triển khai sẽ góp phần hỗ trợ hộ nghèo DTTS và người DTTS sinh sống trên địa bàn huyện nghèo có việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dịch chuyển cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của các dân tộc trong tăng trưởng kinh tế, phát triển du lịch văn hoá ở cộng đồng.

Nội dung hỗ trợ là người dân tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; sử dụng các dịch vụ truyền hình, phát thanh ở khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững. Hỗ trợ người dân tộc thiểu số về tiếp cận thị trường lao động trong các chính sách giảm nghèo như đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin đầy đủ về thị trường lao động, thực hiện các biện pháp giảm thiểu các rào cản từ việc phân công lao động. Xây dựng, thí điểm và tuyên truyền các sáng kiến, thực hành tốt trong đảm bảo môi trường làm vệc thân thiện cho lao động người dân tộc thiểu số trong chính sách thị trường lao động.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, để thực hiện mục tiêu trên, cần có sự phối hợp với Ủy ban dân tộc để thực hiện các chính sách dân tộc, triển khai đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Tiêu chí huyện nghèo, tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện; tỷ lệ số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn hoặc tỷ lệ số xã đạt dưới 14 tiêu chí nông thôn mới trong tổng số xã của huyện; khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân cư của huyện.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu quan điểm.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hội đồng Dân tộc xem xét, cho ý kiến về nội dung Báo cáo chủ trương đầu tư của Chương trình để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ nhất năm 2021.

Ngoài ra, đề nghị Hội đồng Dân tộc nhất trí chủ trương trình Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách Trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 bao vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp và giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng hơn 11.860 tỷ đồng so với phương án của Hội đồng thẩm định Nhà nước, để hỗ trợ các địa phương để hỗ trợ các địa phương xây dựng xã, huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu được Đảng và Nhà nước giao.

Cần phân định rõ địa bàn, đối tượng được thụ hưởng

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nêu rõ quan điểm về việc xác định rõ địa bàn, đối tượng được thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Điều này góp phần triển khai các chương trình một cách hiệu quả, thiết thực, đảm bảo các mục tiêu đề ra.

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, cho rằng Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là: “Chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, gồm: 8.882 xã, tất cả các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Địa bàn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 là: “Chương trình thực hiện ở địa bàn xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn”. Như vậy, địa bàn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới rộng hơn, bao phủ cả các địa bàn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, nhất là các xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn. Nếu không phân định rõ địa bàn, sẽ có một số hoạt động trùng lặp về địa bàn. Xác định Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Tuy nhiên, việc hệ thống hóa tổ chức bộ máy vận hành chưa thực sự thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.


Toàn cảnh Hội nghị.

Theo Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng, chương trình đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung thành phần chương trình. Cơ chế thực hiện Chương trình nhìn chung đảm bảo thực hiện thành công Chương trình, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, do 3 chương trình MTQG đều thực hiện một số nội dung liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giảm nghèo, vì vậy có thể nội dung không tránh khỏi trùng nhau (Đầu tư  kết cấu hạ tầng cho huyện nghèo). Vì vậy, khi phê duyệt các chương trình cần có xác nhận về tính trùng lặp của 2 chương trình còn lại, để tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam nhận định: Về cơ bản kết cấu và nội dung của chương trình là phù hợp, tuy nhiên cũng có một vài điểm cần xem xét hợp lý hơn. Ví dụ như đối tượng thụ hưởng của chương trình còn dàn trải, quá rộng không rõ xác định hộ mới thoát nghèo trong phạm vi bao nhiêu năm. Người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo liệu có tính cả những hộ gia đình giầu có, khá giả hay không; và những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có được thụ hưởng chính sách hay không hay nằm ở chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi và đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp theo quy định của pháp luật về trợ giúp xã hội cũng chưa được thể hiện rõ họ là ai, và tình trạng như thế nào được coi là cần sự bảo vệ khẩn cấp.

Đối tượng là người học nghề, người lao động cũng quá rộng, phải chăng tập trung vào nhóm yếu thế trong thị trường lao động, nhóm ít cơ hội tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp cư trú ở vùng nông thôn và nhóm có nguy cơ mất việc làm, phải chuyển đổi việc làm do quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới mà người lao động không đáp ứng được. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan cũng không rõ họ sẽ được thụ hưởng chính sách cụ thể gì trong chương trình này và cơ chế thực hiện như thế nào.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, các vấn đề nêu trên cần được rà soát làm rõ hơn trong chương trình, để khi thực hiện bảo đảm tính thống nhất trên phạm vi toàn quốc; tránh tình trạng chưa rõ hoặc hiểu khác nhau dẫn đến “rò rỉ” hoặc bỏ sót đối tượng thụ hưởng của chương trình. Mặt khác, nếu có thể được nên làm rỗ đối tượng thụ hưởng của hợp phần về giảm nghèo và đối tượng thụ hưởng của hợp phần về an sinh xã hội.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu còn đề xuất một số giải pháp về việc phân bổ, giám sát nguồn vốn thực hiện đến các đối tượng, địa phương được thụ hưởng một cách hiệu quả; giải pháp để đảm bảo an sinh xã hội, nguồn nước sạch ở vùng DTTS; lồng ghép nguồn lực với các chương trình, đề án...


Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Dân tộc, các đại biểu, chuyên gia đóng góp cho 2 chương trình.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, cần đặt hai chương trình (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững) bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp, làm thế nào để ba chương trình cài xen nhau hiệu quả. Cân nhắc về phạm vi, đối tượng, tập trung vào các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, các dự án nhỏ. Để đảm bảo cho các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện hiệu quả, phải có sự giám sát chung cho cả 3 chương trình với việc tăng cường sự giám sát của người dân. Điều này cũng là góp phần giảm thiểu tình trạng có nguồn tiền hỗ trợ nhưng không thực hiện được.

Về cơ cấu nguồn vốn, cần tính toán lại cho phù hợp, thể hiện vai trò của vốn ngân sách, ưu tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn trước. Các chỉ tiêu đặt ra phải đảm bảo phù hợp về chỉ số… Về Chương trình giảm nghèo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, cần lưu ý vấn đề an sinh xã hội, có thể tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi mục tiêu giảm nghèo để đảm bảo tính khả thi của chương trình. Trong tiếp cận Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần phân cấp, giảm dần bao cấp từ phía Nhà nước, tập trung đào tạo nghề, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đưa ra các khung chính sách để các địa phương có cơ sở thực hiện theo chỉ tiêu phù hợp với điều kiện khả năng, nguồn lực cơ sở.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị đưa ra hệ số về phân bổ nguồn lực, cơ cấu nguồn tín dụng cho phù hợp; chú trọng bổ sung nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn, lưu ý đến giảm nghèo ở vùng miền núi. Đặc biệt cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở vùng miền núi. Đối với thực hiện Nông thôn kiểu mẫu, duy tu bảo dưỡng ở vùng nông thôn nên để cho địa phương quyết định. Liên quan đến các chỉ tiêu đặt ra thì Bộ ngành, địa phương cần rà soát sao cho phù hợp./.

Bích Lan